Khách hàng phải có trách nhiệm với khoản vay
Cách đây không lâu, chị Như Mai (Hà Đông, Hà Nội) quyết định vay mua trả góp chiếc laptop Vaio tại một hệ thống bán lẻ máy tính xách tay với giá hơn 20 triệu đồng. Chị cho biết sau khi tìm hiểu và nghe nhân viên của công ty tài chính liên kết với hệ thống bán lẻ này tư vấn, chị đã dễ dàng tiếp cận được khoản vay tín chấp chỉ trong vòng một buổi sáng với thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn.
“Khoản vay quá nhỏ, nếu vay ngân hàng thì phải mất thời gian đến làm thủ tục nên tôi đã chọn hình thức trả góp ngay tại cửa hàng mua máy tính. Sau khi tiếp cận, tôi thấy thủ tục khá đơn giản, quy trình xét duyệt lại nhanh chóng và không gây bất lợi gì cho phía người tiêu dùng”, chị Mai cho biết.
Không giống chị Mai, chị Thanh Nga (Cầu Giấy - Hà Nội) tỏ ra bức xúc về việc khi vay tín dụng để mua điện thoại song đến kỳ thanh toán chị lại phải đóng thêm một số khoản phí, phạt cho khoản tiền vay do thanh toán chậm.
Trên thực tế, không ít người tiêu dùng vẫn tỏ ra bất ngờ trước việc phải nộp phí phạt trả nợ trước hạn hoặc thắc mắc trước mức lãi suất luôn ở ngưỡng cao của dịch vụ cho vay này. Thậm chí, có khách hàng còn ngưng thanh toán giữa chừng và chấp nhận nộp phạt để chờ xử lý khiếu nại, khi cho rằng các điều khoản trong hợp đồng đã dẫn đến việc người tiêu dùng phải trả tiền cao vô lý.
Cởi bỏ những băn khoăn trên, một vị lãnh đạo thuộc công ty tài chính phân tích: Trước tiên, người tiêu dùng cần cân nhắc xem có cần thiết phải mua mặt hàng này hay chưa, xem xét các nguồn vay mượn khác như từ người thân, bạn bè trước khi tìm đến công ty tài chính. Nếu quyết định vay thì khả năng trả nợ sẽ như thế nào. Trước khi ký hợp đồng vay, người tiêu dùng nên hiểu hết các điều kiện và điều khoản vay, lãi suất và các khoản phí phải trả nếu thanh toán chậm hay trước hạn… để không bị phát sinh những tranh chấp sau này.
Cũng theo vị lãnh đạo này, các công ty tài chính đều mong đợi khách hàng là những người đi vay có trách nhiệm, bằng cách cân đối các khoản thu nhập và chắc chắn rằng khoản vay phù hợp với tình hình tài chính của mình.
Một khi đã quyết định thực hiện khoản vay, khách hàng cần cố gắng sắp xếp các nhu cầu chi tiêu để không bị trễ hạn. Một số khách hàng tỏ ra khó chịu trước việc mình bị công ty tài chính nhắc nợ trước kỳ thanh toán, song họ không biết rằng chỉ cần bỏ quên vài ngày, không chỉ người vay phải tốn thêm tiền đóng phí phạt, mà hồ sơ tín dụng của họ cũng sẽ ghi nhận một lần trễ hạn thanh toán.
Nếu hồ sơ tín dụng có quá nhiều lần trễ hạn hoặc đỉnh điểm là khách hàng “bỏ trốn”, điều này đồng nghĩa với việc ở những lần vay sau, kể cả ở những công ty tài chính hay ngân hàng khác, khách hàng sẽ phải đối mặt với lãi suất vay cao hơn hoặc những thủ tục phức tạp hơn và thậm chí sẽ không thể vay được ở bất kỳ nơi đâu, bởi mọi tổ chức tín dụng đều có thể tìm hiểu hồ sơ tín dụng của từng cá nhân ở Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước.
Nâng cao kiến thức tài chính
Theo ông Võ Minh - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Đà Nẵng, chúng ta cần bình tĩnh và suy xét kỹ lưỡng để nhận định về những vụ kiện tụng xung quanh mức lãi suất cho vay tiêu dùng, thậm chí có ý kiến cho rằng tổ chức tín dụng “bẫy” người vay trong các khoản vay tiêu dùng, nhất là tại các công ty tài chính một cách cụ thể, thấu đáo. Rõ ràng, hoạt động cho vay tiêu dùng là việc thuận mua vừa bán, chỉ khi được sự đồng ý của khách hàng ký vào bản hợp đồng vay, tổ chức tín dụng mới thực hiện được việc giải ngân.
Ông Võ Minh cho rằng cùng với mở rộng tiếp cận dịch vụ vay tiêu dùng, câu chuyện giáo dục tài chính toàn diện cho người dân cũng cần thiết phải đề cập tới. Trong đó có vai trò của các cơ quan nhà nước cũng như cơ quan truyền thông để giúp người dân tiếp cận được những kiến thức đơn giản về tài chính. Cách quản lý đơn giản nhất là phải minh bạch những điểm mấu chốt như: niêm yết công bố lãi suất, phương thức thu hồi lãi, phí phạt, phí trả trước…
Việc hiểu rõ dịch vụ tài chính sẽ giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và quản lý tài chính tốt hơn. Trong đó có những nội dung quan trọng để quan hệ giữa khách hàng và tổ chức cho vay phải thật sự hiểu nhau, tạo sự bình đẳng, không thiên vị bất cứ bên nào. Bởi quan hệ vay tài chính tiêu dùng là hợp đồng dân sự thỏa thuận, nên cần phải có sự khách quan giữa hai bên. Khi các cơ quan nhà nước quan tâm chuẩn hóa các hợp đồng và khi người dân am hiểu dịch vụ thì bản thân họ sẽ tự giải quyết theo quy định của pháp luật. Làm như vậy thì thị trường sẽ tự giải quyết, còn bàn tay của Nhà nước là kiến tạo, quản lý theo xu hướng phát triển.
Theo KD/ Tuổi Trẻ