Thứ 5, 25/04/2024, 01:29 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2017

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2017
(Tieudung.vn) - Nhiều chính sách, quy định mới liên quan quyền trẻ em, công tác phí, bảo hiểm, đấu giá tài sản, mua bán nợ, thông quan hàng hóa…sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2017.

Cấm tự ý đưa hình ảnh trẻ em lên mạng

Nghị định 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/7 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em quy định một số thông tin về bí mật riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em phải được bảo vệ trên môi trường mạng: tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân...

Ngoài ra, những thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số ; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em cũng phải được bảo vệ.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên... Những cơ quan này phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Những trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng cần được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

Mức công tác phí mới

Từ 1/7, hàng loạt mức công tác phí, phụ cấp lưu trú, thanh toán theo thực tế, thanh toán công tác phí theo tháng,... mới sẽ được tăng thêm theo Thông tư 40/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực.

Về chế độ phụ cấp lưu trú, mức phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác là 200.000 đồng/ngày. Trường hợp đi công tác trong ngày thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí như: số giờ thực tế đi công tác trong ngày, thời gian phải làm ngoài giờ hành chính, quãng đường đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú là 250.000 đồng/người/ngày. Riêng một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ chi bồi dưỡng khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ công tác phí theo tháng quy định cao nhất để chi trả cho người đi công tác.

Trường hợp thanh toán tiền công tác phí theo tháng đối với cán bộ cấp xã thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng; cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị còn lại phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng thì tuỳ theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí để hỗ trợ theo mức 500.000 đồng/người/tháng. 

Đối với thanh toán theo hình thức khoán, cấp lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạp có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mức khoán 1.000.000 đồng/ngày/người; không phân biệt nơi đến công tác.

Tăng mức đóng bảo hiểm 

Theo quyết định 2159/BHXH của Bảo hiểm Việt Nam vừa ban hành, hướng dẫn mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn theo mức lương cơ sở mới từ ngày 1/7/2017, mức tham gia bảo hiểm y tế của hộ gia đình được xây dựng trên “nền” lương cơ sở. 

Cụ thể, mức đóng phí bảo hiểm y tế bằng 4,5% theo lương cơ sở. Do lương cơ sở tăng theo Nghị định 47/2017 nên mức phí tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng từ 653.000 đồng/người/năm lên 702.000 đồng/người/năm. Bên cạnh đó, do mức lương cơ sở tăng 1.300.000 đồng/tháng nên mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng.

Mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn theo mức lương cơ sở mới từ ngày 1/7, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất là 26 triệu đồng/tháng.  

Không đấu giá tài sản nhà nước ở nước ngoài

Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đấu giá tài sản 2016 có hiệu lực thi hành từ 1/7 nêu rõ, không đấu giá chứng khoán và tài sản của Nhà nước ở nước ngoài. Những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì phải thực hiện thủ tục đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016. 

Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá gồm: Tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật. 

Hướng dẫn điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Đây là quy định tại Thông tư 53/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vụ mua bán nợ có hiệu lực từ ngày 3/7.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vụ mua bán nợ cần lưu ý một số điều kiện

- Khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được ban hành bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quy định tại điều lệ;

- Vốn điều lệ/vốn đầu tư thực góp hạch toán trên bảng cân đối kế toán phải lớn hơn hoặc bằng mức vốn tối thiểu quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ;

- Người quản lý doanh nghiệp tại thời điểm được bổ nhiệm phải có bằng đại học (trở lên) thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận;

Quy định về thông quan tại cảng cạn

Nghị định 38/2017/NĐ-CP  có hiệu lực từ 1/7 về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn nêu rõ, nhà nước cho phép chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn. Khi có nhu cầu chuyển đổi, chủ đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. 

Chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Cục Hàng hải gửi văn bản hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải lấy ý kiến của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh nơi xây dựng cảng; thẩm định và Bộ Giao thông Vận tải. Chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo, Bộ Giao thông Vận tải phải có văn bản trả lời chấp thuận chuyển đổi hoặc không đồng ý và nêu rõ lý do.

Thủ tục hải quan đối với hàng bị lưu giữ

Nghị định 169/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định về việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

Theo đó, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ do người nhận hàng không đến nhận, hoặc từ chối nhận hàng: Người vận chuyển được mang bán đấu giá nhưng phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo quy định.

Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định, người vận chuyển phải nộp kèm các giấy tờ sau đây cho cơ quan hải quan: Văn bản đề nghị làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ; bản chính bằng chứng liên quan đến việc thông báo về hàng hóa bị lưu giữ theo quy định tại Điều 7 của nghị định này.

Ngoài ra, một số quy định mới về lao động, tiền lương, dạy nghề, hàng hải… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2017.

Tags:
VnEconomy
3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.83619 sec| 843.602 kb