Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 6/2021 cả nước xuất khẩu 436.140 tấn gạo, tương đương 241,61 triệu USD (giảm 30,4% về lượng và giảm 28,7% về giá trị so với tháng 5). So với tháng 6/2020 giảm 3,2% về lượng nhưng tăng 6,3% kim ngạch và tăng 9,8% về giá.
Trong tháng 6/2021 xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường chủ đạo sụt giảm mạnh so với tháng 5, cụ thể: xuất khẩu sang Philippines giảm mạnh gần 35% cả về lượng và kim ngạch, đạt 150.735 tấn, tương đương 78,79 triệu USD; Bờ Biển Ngà giảm mạnh 92% cả về lượng và kim ngạch, đạt 5.184 tấn, tương đương 3,2 triệu USD; Malaysia giảm 37,6% về lượng và giảm 39% kim ngạch, đạt 14.544 tấn, tương đương 7,48 triệu USD.
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm thu về gần 1,65 tỷ USD. (Ảnh: Internet)
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,03 triệu tấn (giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái), thu về gần 1,65 tỷ USD (giảm 4%), giá trung bình đạt 544,4 USD/tấn (tăng 11,7%).
Về thị trường tiêu thụ, Philippines vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 1,09 triệu tấn, tương đương 579,83 triệu USD, giá trung bình 530,5 USD/tấn, giảm 20,6% về lượng, giảm 8,6% về kim ngạch nhưng tăng 15% về giá so với 6 tháng đầu năm 2020; chiếm 36% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Trung Quốc đứng thứ 2 với 580.942 tấn, tương đương 308,68 triệu USD, giá trung bình 531,4 USD/tấn, tăng 26,9% về lượng, tăng 12,5% về kim ngạch nhưng giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 19% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Thị trường Ghana đứng thứ 3 đạt 327.551 tấn, tương đương 191,3 triệu USD, giá 584 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 32%, 51% và 14,6% so với cùng kỳ, chiếm gần % trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia giảm rất mạnh, với sản lượng đạt 151.104 tấn (giảm 55,9%); tương đương 80,13 triệu USD (giảm 45,4%).
Ngược lại, xuất khẩu sang Bangladesh lại tăng rất mạnh với 52.808 tấn (tăng 11.811%) tương đương 31,94 triệu USD.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang nhận được nhiều thuận lợi kép. Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, làm nhu cầu lương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao.
Nhu cầu dự trữ gạo tại các nước sẽ tăng lên, nhất là nhu cầu mua lúa gạo của các thị trường lớn như Phillippines, Malaysia, Trung Quốc, Ghana, Papua New Guinea... Kể cả Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, song đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi những đợt mưa lũ lớn liên tiếp gây tổn thất mùa màng, đồng thời đang chịu làn sóng lây nhiễm mới, phải kéo dài thời gian phong tỏa.
Trung Quốc, nước có dân số đông và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, hiện đã và đang khống chế được dịch Covid-19, hoạt động giao thương đưa gạo sang Trung Quốc hiện vẫn sôi động.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam hiện đang lâm vào tình thế khó. Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang gặp phải khó khăn về xuất khẩu gạo do đồng Rupee yếu đi và làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại và gây ra khủng hoảng rộng trong xã hội, tác động lên logistics, từ xay xát tới vận chuyển gạo ra cảng.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,2-6,4 triệu tấn gạo, tăng 233 ngàn tấn so với năm 2020. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Việt Nam đã hoàn thành được khoảng 48-48,8% mục tiêu lượng xuất khẩu và 51,5 - 53,2% kế hoạch giá trị xuất khẩu năm nay.