Online lên ngôi
Theo Thống kê của một tổ chức nghiên cứu thị trường, trong quý I/2017, sản phẩm mà người tiêu dùng Việt mua chủ yếu là thời trang quần áo, giày dép chiếm tỷ lệ lớn nhất 64%; sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%; Đặt mua tour trực tuyến chiếm 47%; Mua sắm mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân chiếm 40%; Mua sắm trực tuyến hàng gia dụng chiếm 40%... Chính vì thế, tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng năm 2017 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 25/5, các chuyên gia nhận định, hiện đa số DN cũng đã thay đổi chiến lược kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, số DN có thể trụ vững được trên sàn thương mại điện tử không nhiều do khả năng nắm bắt thông tin và thị hiếu tiêu dùng còn hạn chế.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên. |
Đặc biệt, chưa có nhiều nghiên cứu bài bản và dự đoán về tiêu dùng trực tuyến để DN có thể chủ động định hướng đón đầu và vận dụng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Đây là thực tế cấp bách được đặt ra với nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả những cơ quan quản lý Nhà nước phải quan tâm hàng đầu.
TS Nguyễn Trần Hưng (Đại học Thương mại) chia sẻ, kênh mua sắm trực tuyến sẽ là lựa chọn đầu tiên của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới. Lý do là bởi, số lượng người dân sử dụng mạng internet, smart phone đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, sự phổ biến của các thiết bị như điện thoại di động thông minh, ipad, máy tính bảng… đã trở thành một vật dụng cần thiết trong đời sống và công việc kinh doanh của phần lớn người dân. “Việc sử dụng thiết bị di động đã trở thành thói quen mặc định, thậm chí một người Việt có thể sở hữu nhiều hơn một thiết bị di động. Bên cạnh đó, thiết bị di động có tính cá nhân hóa cao nên tâm lý chung của người dùng thích sử dụng cho các công việc cá nhân cần sự riêng tư hơn nhiều lần so với các máy tính cá nhân, chẳng hạn như các giao dịch mua bán, thanh toán” – vị này nhận định. Bên cạnh đó, sự phổ dụng của các mạng xã hội tại Việt Nam khiến cho số lượng người bán cá nhân, thậm chí cả các doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội như một kênh bán trực tuyến chính thức bên cạnh các website. Tuy nhiên, ông Hưng thẳng thắn chỉ ra, thực tế nhiều người tiêu dùng sau khi mua những sản phẩm thiết yếu qua các kênh mua sắm trực tuyến, họ thường xuyên gặp phải tình trạng lừa đảo, hàng nhái hàng giả, do người mua không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất cả tiền cả hàng, không được đổi trả khi sản phẩm không vừa ý… Đó còn chưa kể dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng rất yếu.
Bền vững với chỉ tiêu sạch
Cộng cả ưu điểm và những hạn chế, nhưng thực tế, với sự lan tỏa và số lượng người dùng mạng xã hội ngày càng nhiều, các tương tác qua mạng xã hội ngày càng phổ biến thì việc người tiêu dùng Việt Nam tiến hành giao dịch, mua bán trực tuyến trên mạng xã hội sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, ông Hưng cho biết thêm, vấn nạn về thực phẩm bẩn và thực trạng môi trường bị suy thoái khiến cho đại bộ phận người dân Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và có thái độ tích cực đối với vấn đề về bảo vệ môi trường. Sau một loạt sự cố về ô nhiễm môi trường biển 2016 (vụ Formosa) và những vụ liên quan đến thực phẩm bẩn bị phanh phui khiến người tiêu dùng phải rùng mình như: thịt hôi thối được phù phép đưa ra thị trường bán, nội tạng thối hô biến thành những món ăn khoái khẩu của dân nhậu, dùng dầu nhớt tưới rau muống tại Sài Gòn hay mỡ bẩn, giấm gạo làm từ acid… người tiêu dùng trở nên chú trọng hơn đến nguồn gốc các loại thực phẩm. Điều này thúc đẩy hoạt động sử dụng và tiêu thụ những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường của người dân Việt Nam.
Thực tế đã cho thấy nhu cầu tăng đột biến về các sản phẩm là thực phẩm hữu cơ (Organic food) của nhiều người tiêu dùng Việt Nam chính là minh chứng tốt nhất cho xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, giàu dưỡng chất tự nhiên, không hóa chất và thân thiện với môi trường trong thời gian sắp tới. Từ thực tế này, vị chuyên gia khuyến cáo, DN cần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững với chỉ tiêu xanh và sạch.