Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-8 thì trong tháng 8, chỉ số giá của nhóm thực phẩm tăng tới 1,64% so với tháng 7. Chủ yếu là do giá của thịt gia súc, gia cầm tăng trở lại sau thời gian giảm mạnh vì khủng hoảng thừa nguồn cung và rau quả tăng giá khi mưa, lụt làm ảnh hưởng nguồn cung.
Cùng với thực phẩm, nhóm lương thực cũng tăng giá nên tính chung, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này cũng tăng tới 1,06% so với tháng 7. Đây là nhóm chiếm quyền số quan trọng trong rổ tính CPI, có sức tác động lớn đến chỉ số giá.
Một lực đẩy khác với CPI đến từ nhóm giao thông. Tháng này, với hai đợt tăng giá của mặt hàng xăng hôm 4-8 và 19-8, nhóm giao thông tính chung đã tăng tới 2,13% so với tháng trước.
Ngoài hai lực đẩy quan trọng này, tháng này CPI còn chịu thêm lực đẩy từ hàng loạt mặt hàng khác cũng có sức tăng khá mạnh.
Ví dụ như thuốc và dịch vụ y tế (tăng 2,86%, trong đó dịch vụ y tế tăng 3,72%); giáo dục (tăng 0,57%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,51% khi chuẩn bị vào năm học mới); nhà ở vật liệu xây dựng (tăng 0,93% do giá gas tăng 27.000 đồng/bình 12kg từ đầu tháng 8)…
Việc gas tăng giá 27.000 đồng/bình 12kg hôm 1-8 cũng là một lực đẩy CPI. Ảnh: Minh Tâm |
Các mặt hàng tăng giá còn lại gồm đồ uống, thuốc lá, may mặc mũ nón giày dép, văn hóa giải trí du lịch, hàng hóa, dịch vụ khác với mức tăng dưới 0,1% so với tháng trước.
Nhóm giảm giá duy nhất trong tháng này là bưu chính viễn thông (giảm 0,04%).
Tính chung, CPI tháng 8 tăng 0,92% so với tháng 7, mức tăng cao nhất trong vòng nhiều tháng trở lại đây.
Còn so với tháng 12-2016, mức tăng là 1,23%. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 8 tăng 3,35%.
Qua 8 tháng, CPI bình quân tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2016.
Lạm phát cơ bản (theo thước đo CPI loại trừ lương thực thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế) của tháng 8 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cùng kỳ năm 2016.
Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng đầu năm 2017 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Xét theo khu vực, chỉ số giá tại thành thị tăng thấp hơn nông thôn, lần lượt là 0,82% và 1,01%.
Xét theo địa phương, trong tháng này, tất cả các tỉnh, thành phố đều ghi nhận tình hình hàng hóa tăng giá. Trong số này, có khá nhiều địa phương có chỉ số giá tăng cao hơn mức bình quân cả nước.Ví dụ như Hà Nội (1,34%); Khánh Hóa (1,04%); Vĩnh Long (1,28%); Cần Thơ (1,64%).
Chỉ số giá tháng 8 của TPHCM tăng 0,5% so với tháng trước, thuộc diện thấp nhất trong nhiều tỉnh thành khi nhiều mặt hàng đứng giá.