Ngoài ra, các ông lớn khác như Vietinbank, BIDV… cũng được KTNN cảnh báo các nhiều rủi ro liên quan đến thẩm định cho vay, thoái vốn, đầu tư tài chính…
|
Kết quả kiểm toán của KTNN chỉ ra nhiều khoản vay dư nợ lớn tiềm ẩn rủi ro tại Vietcombank |
Gần 800 tỷ đồng Vietcombank đầu tư tài chính không hiệu quả
Theo báo cáo của KTNN, nhiều khoản đầu tư tài chính của Vietcombank không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Theo đó, Vietcombank đầu tư 204,97 tỷ đồng (tương ứng 9,625 triệu USD) vào Công ty Chuyển tiền Vietcombank, lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 5,347 triệu USD, VCB trích lập dự phòng 103,7 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đầu tư 135,15 tỷ đồng vào Công ty Liên doanh quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank, lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 12,8 tỷ đồng; 270 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank - Cardif, năm 2016 lỗ 17,8 tỷ đồng; 123,45 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, tỷ lệ cổ tức được chia năm 2016 là 4%; 70,95 tỷ đồng vào Công ty Tài chính Xi măng, năm 2016 không nhận được cổ tức.
Ngoài ra, ông lớn Vietcombank cũng được nhắc tên về việc nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc chậm triển khai dự án. Cụ thể, 4 lô đất không được sử dụng; 5.054,8 m2 đất thuê 50 năm từ tháng 12/2008 để xây trụ sở tại Khu Đô thị mới Cầu Giấy chưa được triển khai.
Kết quả kiểm toán của KTNN cũng chỉ ra một số khoản vay dư nợ lớn tiềm ẩn rủi ro. Tại Vietcombank, nhóm khách hàng kinh doanh thẻ cào điện thoại vay vốn tại VCB TP Hồ Chí Minh từ năm 2011, 2012 quá hạn trả nợ từ năm 2014, dư nợ gốc đến 31/12/2016 là 251,7 tỷ đồng, lãi 85,7 tỷ đồng, sử dụng vốn sai mục đích, có dấu hiệu lừa đảo, VCB đang đề nghị Cơ quan an ninh điều tra xử lý.
Về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, KTNN cũng chỉ ra nhiều vấn đề tại Vietcombank. Sau khi kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh tăng dư nợ nhóm 1 là 517 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 2 là 503 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 4 là 17,1 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 5 là 31,3 tỷ đồng…
Thêm nhiều “ông lớn” bị nhắc tên
Ngoài Vietcombank, các ông lớn khác như Vietinbank, BIDV… cũng được KTNN “điểm danh” về việc đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, về những sai sót trong thẩm định cho vay… Cụ thể, BIDV đầu tư vào 3 công ty con 3.128 tỷ đồng, 12 khoản đầu tư dài hạn khác 280,2 tỷ đồng không nhận được cổ tức; Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV: Đầu tư 5 mã chứng khoán (CTG, DPM, PVS, THC, GEX) lỗ 239,62 tỷ đồng; Tổng công ty Bảo hiểm BIDV: Đầu tư cổ phiếu Công ty CP Phát triển Đông dương xanh từ năm 2009, trích lập dự phòng 65,2% giá trị đầu tư (16,89 tỷ đồng). Tại Vietinbank. cổ tức, lợi nhuận chuyển về năm 2016 bằng 4,1% vốn đầu tư. Ngân hàng Hợp tác xã khả năng thu hồi khoản tiền gửi có kỳ hạn 585 tỷ đồng tại Công ty CP Tài chính Handico từ năm 2011 rất khó khăn.
Vietinbank cũng có 4 lô đất 45.778m2 và BIDV có 6 lô đất 157.701m2 chưa sử dụng trong thời gian dài. Một số ngân hàng chưa thoái vốn theo lộ trình các khoản vốn góp vượt giới hạn quy định của Luật các tổ chức tín dụng Góp vốn vượt 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. BIDV có khoản vốn góp 424,8 tỷ đồng, chiếm 32,21% vốn điều lệ Công ty CP Cho thuê máy bay; Oceanbank có khoản vốn góp chiếm 11,62% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Gia Định, chiếm 13,37% vốn điều lệ Công ty PVC Duyên Hải và 15,63% vốn điều lệ Công ty CP Tư vấn dự án Điện lực Dầu khí từ trước thời điểm NHNN mua lại 0 đồng.
KTNN cũng cảnh báo một số khoản vay dư nợ lớn tiềm ẩn rủi ro lớn. Một số khách hàng lớn của Vietinbank có tình hình tài chính khó khăn, đã được cơ cấu lại nợ (Công ty CP DAP số 2 - Tập đoàn Hóa chất 1.113 tỷ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên 1.824 tỷ đồng, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 1.921 tỷ đồng, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung 4.646 tỷ đồng, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí 1.204 tỷ đồng, Dự án Đạm Ninh Bình - Tập đoàn Hóa chất 725,9 tỷ đồng, Công ty CP Xi Măng Công Thanh 8.401 tỷ đồng, Công ty CP Sửa chữa Tàu biển NOSCO 3.078 tỷ đồng, Công ty CP quốc tế C&T 919 tỷ đồng, Công ty CP Đất Việt 1.035 tỷ đồng, Tập đoàn Bitexco 6.949 tỷ đồng)…