Năm 2007, khi toàn bộ nhân viên của ngân hàng Techcombank được cấp hạn mức thấu chi tự động (cho vay dựa trên xét mức lương, vị trí của nhân viên) với hạn mức bằng gấp ba lần thu nhập tháng, ít ai trong số họ lại hình dung được rằng, sau tám năm, thị trường cho vay tín chấp lại sôi nổi đến mức khốc liệt như ngày hôm nay.
Thời của vay tín chấp cá nhân
Năm 2015 chứng kiến cuộc đua vô cùng căng thẳng giữa các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính trên mặt trận cho vay tín chấp cá nhân. Tháp phân khúc khách hàng được khai thác triệt để từ các phân khúc cao nhất (nhóm nhà giàu) cho tới phân khúc thấp nhất mà xưa nay, giới ngân hàng vẫn cho là “không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng” (những người có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng).
Với phân khúc cao nhất là Private và Priority - những khách hàng có tiền gửi ngân hàng từ 1 tỉ đồng trở lên, hầu hết ngân hàng đều cấp cho khách hàng hạn mức thấu chi cao lên tới 1-2 tỉ đồng. Với những phân khúc thấp hơn, hạn mức tín chấp được cấp dựa trên thu nhập hàng tháng, phổ biến từ 3-6 tháng lương, cao nhất như VPBank lên tới 10 tháng lương - dành cho cấp bậc quản lý.
Dù thực tế giải ngân vay tín chấp thấp hơn 55% so với kế hoạch nhưng ngân hàng này vẫn kiên quyết xác định vay tín chấp là trọng tâm của năm 2016 và đặt ra mục tiêu tổng giải ngân vay tín chấp gấp 4 lần năm trước và tập trung vào các khách hàng tiêu dùng. Các phân khúc được cho là an toàn này hiện chủ yếu do các ngân hàng trong nước chiếm giữ, tiêu biểu như Techcombank, ACB, VPBank, MSB, HSB.
Phân khúc khách hàng thu nhập thấp trở nên “nóng” trong thời gian gần đây khi được sự quan tâm đặc biệt của các công ty cho vay tiêu dùng trong nước. Với mô hình hoạt động linh hoạt, nhanh, đơn giản, một số công ty tài chính đang mở rộng thị phần với tốc độ nhanh chưa từng có. Chỉ trong năm năm, FE credit (thuộc VPBank) đã phát triển được gần 1,6 triệu khách hàng và hiện là đơn vị đóng góp tỷ trọng đáng kể vào lợi nhuận của ngân hàng này. Cuộc đua sẽ tiếp tục khốc liệt khi ngoài các tổ chức quốc tế trước đây (Prudential, Home credit...), các tổ chức trong nước như HDBank, Techcombank, MSB đã bắt đầu vào cuộc.
Cạnh tranh càng khốc liệt, người tiêu dùng càng có lợi thế. Anh Nhựt - lái taxi của hãng Vinasun tại TPHCM - cho biết, có tới 50% trong số những người bạn làm nghề lái taxi của anh có vay tiêu dùng. Do hầu hết không có tài sản giá trị nên đều vay tín chấp từ ngân hàng để mua xe máy, ti vi... hay những lúc cần tiền gấp. Anh chia sẻ: “Biết là lãi suất cao nhưng còn đỡ áp lực hơn nhiều so với vay nóng bên ngoài. Hơn nữa, thủ tục vay khá đơn giản và được giải quyết rất nhanh. Hy vọng là thời gian tới, có thêm nhiều công ty cho vay, lãi suất vay sẽ giảm bớt”.
Cô Hòa (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - khách hàng Priority của Techcombank dù không hài lòng lắm với mức phí 150.000 đồng/tháng cho dịch vụ thấu chi nhưng “xét về mục đích sử dụng thì cô thấy ổn, lúc nào cô cần tiền đột xuất là có ngay, rất tiện lợi”.
Tín chấp doanh nghiệp nhỏ và vừa - ai là người dũng cảm?
Trong khi vay tín chấp đang rất phổ biến ở thị trường bán lẻ thì đối với thị trường doanh nghiệp, câu chuyện dường như mới bắt đầu và được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi tình trạng “con gà - quả trứng” bấy lâu nay.
Công bố của Viện Nhân lực ngân hàng tài chính năm 2015 cho thấy 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Điều này dễ hiểu khi trong số 96% doanh nghiệp là nhỏ và vừa thì gần 70% là doanh nghiệp siêu nhỏ (có dưới 10 lao động). Với phân khúc này, việc cho vay dựa trên tài sản đảm bảo (nhà, xe) là không nhiều, do vậy tín chấp được cho là giải pháp hợp lý nhất. Nhưng liệu các ngân hàng tại Việt Nam đã dám “dũng cảm” cho doanh nghiệp vay tín chấp?
Khảo sát quanh một vòng các ngân hàng, chỉ có hai ngân hàng có loại hình tín chấp này là MSB và VPBank. Là ngân hàng thử nghiệm cho vay tín chấp đầu tiên từ năm 2013, MSB chọn lựa những doanh nghiệp có doanh thu tối thiểu là 20 tỉ đồng/năm (dựa trên báo cáo thuế) và chào mời những phương án tín chấp đa dạng, gồm cả bảo lãnh và LC. Điều đáng nói là dù có mặt sớm nhất trên thị trường tín chấp doanh nghiệp và có mức lãi suất khá cạnh tranh nhưng MSB lại không được biết nhiều về lĩnh vực này do phân khúc họ lựa chọn chưa thực sự rơi đúng vào nhóm siêu nhỏ - nhóm đang khát khao được vay tín chấp nhất.
Là ngân hàng đi sau nhưng VPBank dường như tham vọng hơn so với MSB. Đầu năm 2015, ngân hàng này mới có những khoản giải ngân tín chấp đầu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài việc tuyển dụng nhóm nhân viên chuyên trách về vay tín chấp, VPBank tỏ ra linh hoạt và tiếp cận đúng đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ hơn khi các doanh nghiệp vay được khoanh vùng ở mức doanh thu 5 tỉ đồng/năm. Sang năm 2016, ngân hàng này đã thể hiện sự theo đuổi phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ mạch lạc hơn khi tung ra gói sản phẩm hấp dẫn hơn nữa. Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể vay thế chấp hoặc tín chấp nhanh, trong đó duyệt tín chấp chỉ trong năm giờ và không cần đỏi hỏi mức doanh thu tối thiểu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, trong một buổi hội thảo đầu tháng 2 đã đề xuất ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tín chấp để giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, việc tham gia cho vay tín chấp phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ không chỉ giúp giải bài toán gà - trứng về doanh nghiệp tiếp cận vốn mà còn là hướng đi đột phá trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng cứ loanh quanh tiếp cận các doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Quan trọng là khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng khác nhau và ai là người dũng cảm!