Vào đầu tháng 5/2019 do gia đình có việc cần chi tiêu nên anh Nguyễn Đức Long (33 tuổi, ngụ Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) tới Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để làm thủ tục vay tín chấp số tiền 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị giải ngân thì ngân hàng TPBank lại yêu cầu tôi phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ của hãng Manulife. Nếu tôi không mua bảo hiểm nhân thọ của hãng này thì sẽ không đủ điều kiện để giải ngân. Điều khiến anh bức xúc là trong quá trình tư vấn nhân viên ngân hàng không đề cập tới điều khoản này.
Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ.
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Nguyễn Minh Hùng liên hệ với TPBank và nộp hồ sơ đề nghị vay tại TPBank Đông Đô (Tầng 1, tòa nhà LICOGI 13, Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Dự kiến ban đầu anh H định vay 170 triệu đồng nhưng sau đó anh Hùng đã quyết định nâng số tiền vay lên 400 triệu đồng. Một trong những lý do khiến anh Hùng nâng số tiền vay lên là phía TPBank buộc anh phải mua bảo hiểm nhân thọ Manulife. Anh Hùng đã chọn mức gần như là thấp nhất với số tiền 15 triệu đồng/năm.
Anh Hùng thắc mắc với nhân viên ngân hàng TPBank thì được giải đáp: "Mua bảo hiểm nhân thọ Manulife là bắt buộc tham gia kèm khoản vay". Chưa thực sự tin tưởng vào yêu cầu của nhân viên Ngân hàng, anh Hùng đã hỏi lãnh đạo của nhân viên này và cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Vậy là để vay được tiền của TPBank, khách hàng đã phải ôm cục tức để đặt bút ký hợp đồng tín dụng và ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Mỗi năm, ngoài khoản tiền nợ gốc và lãi phải trả, khách hàng phải gánh thêm khoản bảo hiểm nhân thọ 15 triệu đồng/năm. Anh Hùng cho rằng, bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm tự nguyện. Khi thấy cần thiết thì khách hàng sẽ tự đăng ký mua thay vì bị ép buộc. “Đang trong tình trạng phải đi vay tiền, nay lại bị ép mua bảo hiểm như thế, thử hỏi có ai không bực bội” - anh Hùng tâm sự.
Theo thông tin từ Manulife Việt Nam, đơn vị này và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác dịch vụ bảo hiểm - ngân hàng vào tháng 04/2017. Mục tiêu hướng tới của sự hợp tác này xem ra rất tốt “đem tới cho khách hàng những giá trị lợi ích tối ưu thông qua các sản phẩm và dịch vụ” nhưng thực tế liên minh ngân hàng - bảo hiểm đã khiến cho khách hàng nhiều phiền muộn.
Không những thế, việc ép khách hàng mua bảo hiểm là đi ngược với quy định tại Điều 385. Khái niệm hợp đồng của Bộ luật dân sự. Theo đó, hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trường hợp của anh Hùng, một bên tham gia giao dịch không tự nguyện, càng không được thỏa thuận… nên nguyên tắc giao kết hợp đồng không bảo đảm.
Ông Trương Minh Cát Nguyên, giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm Tila cho rằng, việc người tiêu dùng đã cung cấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hay sức khỏe mà ngân hàng vẫn yêu cầu mua thêm, thì đây là hành vi ép mua. Theo quy định, hành vi ép mua này có thể bị phạt đến 100 triệu đồng. Nếu có bằng chứng vi phạm như các email trao đổi, các văn bản về chính sách của ngân hàng, ghi âm…, người tiêu dùng có thể gửi cho Cục Quản lý giám sát bảo hiểm để khiếu nại.
Việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancasurance) phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Các hãng bảo hiểm tư nhân hợp tác với một số ngân hàng để bán bảo hiểm cho người dân. Để bán được bảo hiểm, nhiều ngân hàng đã đưa ra các quy định "bất thành văn" để ép người vay tiền phải mua thêm các gói bảo hiểm từ đối tác.
Theo một số công ty bảo hiểm, do kênh bán hàng này đang phát triển nóng và rất cạnh tranh, các công ty bảo hiểm tranh nhau nguồn dữ liệu khách hàng của ngân hàng nên đẩy mức chiết khấu lên quá cao, dẫn đến thiếu sự chuẩn mực trong việc bảo vệ quyền lợi của ba bên là công ty bảo hiểm, ngân hàng và khách hàng. Chưa kể có tình trạng một số ngân hàng áp doanh số bán bảo hiểm cho nhân viên, nhân viên ép khách hàng phải mua bảo hiểm mới được giải ngân vốn vay hoặc nhân viên ngân hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm nên tư vấn chưa chính xác.
Trên thế giới, các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng chiếm tỉ lệ rất cao. Tại các thị trường phát triển, kênh ngân hàng có thể chiếm tới 70% doanh số của công ty bảo hiểm. Xu hướng này tại Việt Nam cũng là tất yếu, quan trọng là các công ty bảo hiểm cần đầu tư thêm cho đội ngũ đại lý chăm sóc khách hàng chặt chẽ hơn.