Cung không kịp cầu
Theo ghi nhận, nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hôm nay (ngày 11/7) đã nhanh chóng hết rau xanh, thịt cá vì nhu cầu mua sắm người dân quá cao, dù TP đã bước vào ngày thứ 3 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9/7.
Tại siêu thị tiện lợi Bách Hóa Xanh nằm trên đường số 8 (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), người dân đến mua sắm tại đây không quá đông đúc nhưng các kệ hàng rau củ quả, thịt gà, thịt heo tại đây đã trống trơn từ sớm.
Các kệ rau củ quả chỉ còn lác đác vài loại, người đi siêu thị đành mua vì cũng không còn lựa chọn khác
“Tôi ghé Bách Hoá Xanh từ 9 giờ sáng để mua ít rau, và trứng gà. Nhưng cuối cùng phải xách giỏ ra về vì hết sạch”, cô Ngô Thị Kim Tuyền (ngụ Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức) chia sẻ.
Chưa tới 11 giờ trưa (11/7), các kệ hàng tại cửa hàng hàng thực phẩm Satrafood trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) cũng không còn chút rau củ, thịt, cá nào. Các loại thực phẩm đông lạnh sắp hết. Nhiều khách hàng vào mua đều thất vọng ra về.
Một cửa hàng khác cũng nằm trong chuỗi siêu thị tiện lợi Satrafood nằm trên đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) hết tất cả các mặt hàng tươi sống từ lúc sáng sớm cùng ngày.
“Vì sợ tụ tập đông người, tôi cố gắng tranh thủ đi từ sớm, nhưng không ngờ đến nơi chỉ còn vài bó rau cải bị dập. Cũng phải đành bấm bụng mua luôn, chứ mỗi lần đi là một lần khó”, cô Lê Thị Thơm (ngụ đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức) nói.
Cùng thời điểm, tại siêu thị tiện lợi thuộc hệ thống Saigon Co.op ở quận 6 (TP Hồ Chí Minh), theo quan sát cũng đã hết các mặt hàng rau củ quả. Theo thống kê của Saigon Co.op, lượng khách dồn đến các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và số lượng đơn hàng online tăng gấp nhiều lần suốt từ trưa ngày 6/7 đến sáng nay 11/7.
“Hiện nay nhu cầu mua sắm hàng thực phẩm, rau củ quả tươi của người dân quá lớn. Trong khi đó, nguồn nhân lực của siêu thị có giới hạn, vì vậy dù đã hoạt động hết công suất, liên tục đưa hàng lên kệ nhưng vẫn không đủ bán”, nhân viên siêu thị Co.opmart (quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho hay.
Quầy, kệ trống trơn là tình trạng chung của nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP sáng nay (11/7)
Tương tự, tại các chuỗi VinMart, VinMart+, nhiều kệ hàng trống trơn, nhân viên siêu thị cũng phải cấp tốc bổ sung hàng hóa liên tục. Tuy nhiên, vẫn có những lúc gián đoạn, khiến người dân đến mua sắm nhưng không được đáp ứng đầy đủ được những mặt hàng đang cần.
Không chỉ thiếu hàng, giá nhiều loại rau xanh, thịt cá, thủy hải sản… tăng vọt lên thêm 10.000 - 15.000 đồng/kg, so với ngày hôm trước (10/7). Cải xanh 35.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg, xà lách 45.000 - 50.000 đồng/kg, bắp cải 40.000 đồng/kg; khổ qua, bí đỏ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nhiều loại rau xanh "cháy hàng", không còn để mua.
Kênh phân phối hàng hoá bị “tắc”
Liên tiếp trong 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thiếu hụt rau củ quả, thịt cá… dù trước đó, Sở Công thương TP đã công bố TP không lo thiếu thực phẩm, lượng thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn. Vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao thực phẩm dự trữ của TP nhiều nhưng người dân TP vẫn khó mua?
Theo đó, ngày 7/7, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, TP không lo thiếu thực phẩm, thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường.
Tuy nhiên, với tình hình thực tế, khi các kệ hàng trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP liên tục trống trơn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ giải thích, nghịch lý “hàng nhiều” nhưng "kệ vẫn trống" có rất nhiều lí do. Một trong những lý do dễ nhìn thấy nhất là sức mua của người dân, đặc biệt với hàng thực phẩm, rau củ quả tươi quá lớn.
“Thêm vào đó, việc ba chợ đầu mối lớn Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức và hơn 100 chợ truyền thống bán lẻ phải tạm đóng cửa để phòng chống Covid-19 đã gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vốn chỉ đáp ứng 30% lượng hàng nhu cầu người dân TP”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Mặt hàng tươi sống như cá, thịt heo, thị bò...không nhiều và đa dạng, người dân không có nhiều sự lựa chọn trong những ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Công Thương TP lý do quan trọng nhất khiến nguồn hàng dù nhiều mà không tới được các điểm bán, là việc lưu thông từ các kho hàng nằm ngoài TP vào TP đang gặp khó khăn.
“Theo quy định, tài xế chở hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Trong khi đó, công tác xét nghiệm còn tốn rất nhiều thời gian. Hiện tại, TP đang tăng đầu xe để vận chuyển hàng vào TP nhưng vẫn chưa thể thông suốt vì đang chờ sự giúp đỡ, thống nhất và điều phối từ phía các bộ ngành”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói thêm.
Ngoài ra, lượng hàng được các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, mạng xã hội, giao hàng trực tiếp về điểm tập kết chậm cũng xuất phát từ những lý do khách quan nhằm đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19 trong những ngày TP tập trung cao độ, nhằm thực hiện tốt giãn cách xã hội, ngăn ngừa lây lan, kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Giám đốc Sở Công thương TP mong người dân không nên quá lo lắng. Việc thiếu hàng ở các kệ, sạp chỉ là các loại hàng bán theo thời điểm trong ngày. Ví dụ, rau, củ, quả, thịt heo sẽ bán vào buổi sáng để hàng tươi ngon. Người dân buổi chiều hoặc ngày hôm sau có thể quay lại mua. Dù chậm một chút nhưng mua được hàng tươi xanh, lại đảm bảo điều kiện giãn cách phòng dịch.
Tính đến ngày 7/7, TP đã có 127/237 chợ truyền thống tạm ngưng do có liên quan ca mắc Covid-19, trong đó có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn.
Để điều tiết hàng hóa thông suốt, đêm ngày 6/7 Sở Công thương TP đã gửi văn bản đến 22 Sở Công thương các tỉnh, đề nghị thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối, hướng dẫn họ tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Đồng thời, TP sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống