Bán nội địa khó hơn xuất khẩu
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe thông tin, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra giảm sút nên nhiều doanh nghiệp quay về thị trường nội địa khai thác. Tuy nhiên, việc tiêu thụ mặt hàng này không tăng trưởng như mong muốn. “Vừa qua, Công ty CP Nam Việt ký kết hợp đồng tiêu thụ 300 tấn cá tra trong 3 tháng với hệ thống bán lẻ Bách Hoá Xanh và chỉ chiếm 1,7% sản lượng cá tra phi lê của doanh nghiệp này trong 1 quý”- ông Hòe nêu ví dụ.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu Nguyễn Ngọc Luận cho hay, dù cà phê Meet More đã chinh phục được hơn 15 thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Mỹ, châu Âu… nhưng cũng không thuyết phục được các chủ cửa hàng và chuỗi siêu thị lớn trong nước bày bán vì sản phẩm còn mới với người tiêu dùng trong nước.
Người tiêu dùng mua sản phẩm cá do doanh nghiệp Việt Nam cung ứng cho siêu thị Go&Big C. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế, không chỉ mặt hàng nông sản mới gặp khó trong quá trình khai thác thị trường nội địa mà một số mặt hàng khác như đồ gỗ, thời trang cũng trong tình trạng tương tự. "Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ cần có vài hợp đồng là đủ để sản xuất cả năm trời, lại không phải lo thiết kế. Trong khi thị trường nội địa không có quy chuẩn thiết kế, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp gỗ chưa có nên việc sản xuất, tiêu thụ không dễ. Thêm vào đó, hầu hết các linh phụ kiện sản xuất đồ gỗ nội thất đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế ngay trên sân nhà"- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) Đỗ Xuân Lập cho biết.
Tương tự, trong quá trình khai thác thị trường nội địa, doanh nghiệp thời trang phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhãn hàng quốc tế có tiềm lực kinh tế hơn doanh nghiệp Việt. Trong khi đó, doanh nghiệp thời trang Việt khi tìm về sân nhà phải tổ chức lại bộ máy phân phối, đồng thời đối mặt với bài toán chi phí hoạt động bán lẻ, quảng bá… trong khi tiềm lực kinh tế hạn hẹp nên khó đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng.
Người tiêu dùng mua sản phẩm thời trang xuất khẩu của Tổng công ty May 10 tại sự kiến Tháng khuyến mại tập trung Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam
Giải thích lý do những sản phẩm xuất khẩu tỉ USD của Việt Nam khó tiêu thụ ở thị trường trong nước, dưới góc độ nhà bán lẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Central Retail Việt Nam Paul Lê cho biết, tôm sú đông lạnh Việt Nam xuất khẩu đi rất nhiều thị trường nhưng không thể cạnh tranh với thói quen sử dụng tôm sống trong chế biến ẩm thực của người tiêu dùng Việt.
Đồng tình với phân tích này Giám đốc Marketing Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam Đinh Quang Khôi chỉ rõ, hầu hết các mặt hàng nông thủy sản khi xuất khẩu gặp khó mới quay về nội địa nên sản phẩm không được nhiều người tiêu dùng biết đến, nên trong ngắn hạn chưa thể tạo xu hướng tiêu dùng mới của người dân.
Phương án nào giúp doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa ?
Để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa tốt hơn, các chuyên gia kinh tế cho rằng Nhà nước nên có những chương trình xúc tiến thương mại đặc thì để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với khách hàng, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng, vốn vay lãi suất ưu đãi… Những điều này sẽ góp phần thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư trên “sân nhà”.
Người tiêu dùng chung tay giải cứu sản phẩm Thanh long tại siêu thị Go&Big C Ảnh: Hoài Nam
Phó Chủ tịch thường trực Vifores Ngô Sỹ Hoài nêu rõ, trên thực tế mặc dù Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, song đa phần những hoạt động này đều nhắm tới khách hàng quốc tế. Vì vậy thời gian tới Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại danh riêng cho thị trường nội địa. “Việc tạo một sân chơi riêng cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường nội địa thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên ngành cũng như các chương trình kết nối khác sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt thuận lợi hơn trong hành trình chinh phục thị trường nội”- ông Sỹ Hoài nêu quan điểm.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu phân tích, việc tiêu thụ hàng nông sản gặp khó là bởi kết nối cung - cầu còn lỏng lẻo, người sản xuất và phân phối chưa tìm được tiếng nói chung. Vì vậy Nhà nước cần hỗ trợ để tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics...
Người tiêu dùng mua sản phẩm thời trang xuất khẩu của doanh nghiệp Việt tại sự kiến Tháng khuyến mại tập trung Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam
Đặc biệt, cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng chuyển đổi số về hình thức bán hàng lẫn cách tiếp cận khách hàng cũng như các chi phí về mặt bằng, marketing…
Hiến kế giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường nội địa, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong giai đoạn này, doanh nghiệp nên nhắm vào các phân khúc bình dân, giá vừa phải. Đồng thời đưa ra các hình thức khuyến mãi để marketing lại cho sản phẩm từ đó đẩy giá trị hàng Việt lên tâm cao mới.
Như vậy để dành được nhiều hơn nữa thiện cảm cũng như là mối quan tâm của người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm dành cho thị trường nội địa ngang bằng với chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông qua đó hướng người tiêu dùng hình thành thói quen tiêu dùng mới.