Bản tin tiêu dùng trong tuần: Vàng và nhiều loại trái cây rớt giá thê thảm, trong khi giá rau củ tăng mạnh.
Giá vàng giảm mạnh
Tuần qua, giá vàng thế giới đã rơi mạnh từ mức 1.212 USD/oz, chốt phiên cuối tuần trước, xuống 1.208 USD/oz khi mở cửa tuần. Liên tiếp 4 phiên mất giá, có lúc vàng thế giới rơi xuống mức còn 1.163 USD/oz.
Nguyên nhân là do đồng LIRA mất giá sâu do Mỹ áp mức thuế cao lên nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ tới 50%. Do vậy, đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trong giỏ thanh toán, đẩy áp lực lên vàng. Nhiều nhà dầu tư, quỹ đầu tư đã thấy lợi từ đồng bạc xanh, bán mạnh vàng chuyển sang nắm giữ USD.
May mắn cuối tuần, vàng lại đảo chiều đi lên 2 phiên liền nên vàng cắt đà giảm giá.
Chốt phiên trên thị trường Mỹ vào rạng sáng nay 18/8 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tăng phiên thứ 2 liên tiếp đứng ở mức 1.179 USD, tăng 5 USD so với chốt phiên trước.
Đầu phiên sáng nay lúc 8 giờ 35 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh mức 1.1184 USD/oz, tăng 7 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và tăng, thêm 5 USD so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
Như vậy nếu tính từ mức cao nhất đầu tuần so với mức thấp nhất trong tuần vàng thế giới mất 45 USD/oz. Tính đến sáng nay (18/8), giá vàng thế giới mất 24 USD/oz.
Giá vàng giảm mạnh.
Sáng nay giá vàng trong nước cũng tăng mạnh theo xu hướng thế giới. Lúc 8 giờ 35, giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do mua - bán tại TP Hồ Chí Minh quanh mức 36,61 – 36,79 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do mua - bán ở Hà Nội, Đà Nẵng quanh mức 36,61 – 36,81 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 60.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
So với mức giá đầu tuần, vàng SJC trên thị trường tự do và trong các DN chỉ giảm 10.000 đồng/lượng. So với mức giảm giá của vàng thế giới thì vàng trong nước giảm quá thấp. Chính vì thế, tuần qua gần như nhà đầu tư quay lưng lại với vàng, khiến cho thị trường ảm đạm, phát sinh chủ yếu là từ nhu cầu mua nhỏ lẻ.
Phân tích của giới chuyên gia, đồng USD tăng sát mức đỉnh của năm khiến cho nhà đầu tư chán nản với vàng, và mua mạnh đồng USD. Vàng thường được coi là tài sản báo toàn vốn khi thị trường toàn cầu có nhiều biến động. Nhưng lần này lại khác, khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt và áp thuế cao đã khiến cho đồng nội tệ nước này mất giá và đồng USD lên giá. Khi USD tăng mạnh, nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận sinh ra và vẫn bảo toàn vốn. Do USD đã chiếm ưu thế trên thị trường tiền tệ, còn Mỹ chiếm lợi thế trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên các nước.
Tuy nhiên, gần đây nhất có những phân tích cho rằng: Vàng có thể lấy lại lợi thế trong tuần tới khi Mỹ tiếp tục muốn nối lại đàm phán với Trung Quốc trong việc áp đặt thuế lên hàng hóa của nhau. Những thông tin này có thể Mỹ phải chịu nhường Trung Quốc phần nào trong cuộc chiến thương mại. Nếu như vậy, vàng vẫn còn xu hướng đi lên, khi dấu hiệu đồng USD chững lại. Lời khuyến cho nhà đầu tư là mua nhanh vàng để đón lợi nhuận.
Nhãn và nhiều loại trái cây giảm giá mạnh
Khoảng 2 tuần trở lại đây, nhãn và một số loại trái cây giảm mạnh giá trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, giá bán nhãn đã giảm đến 50% so với hồi cuối tháng 7.
Giá nhãn giảm mạnh.
Dạo quanh thị trường Hà Nội vào những ngày này trên khắp các ngõ nhỏ, phố lớn, chợ, siêu thị đều bán rất nhiều nhãn. Theo tìm hiểu của phóng viên giá bán nhãn đã giảm khá mạnh so với cuối tháng 7. Bà Loan ở chợ Thành Công, chia sẻ: Bà ở Gia Lâm, hàng ngày lấy trái cây ở Hưng Yên, Gia Lâm sang chợ bán. Sạp hàng của bà khá nhiều trái cây, mùa nào thức nấy như: Nhãn, ổi, na, mít, chuối, đu đủ… Khoảng 2 tuần nay các loại trái cây giảm giá mạnh.
Nguyên nhân là do nhãn vào mùa chính vụ chín rộ nên đã kéo theo các loại trái cây khác cùng giảm theo. Nhãn bà hái tuỳ theo từng ngày nếu trái to thì bán được 20.000 đồng/kg. Nhãn quả nhỏ bán với giá 15.000 đồng/kg. Giá mỗi ki-lô-gram nhãn đã giảm khoảng 10.000 – 15.000 đồng, tương đương giảm khoảng 40 - 50% so với cuối tháng 7.
Giá bán ổi so với giữa tháng 7 đã giảm từ 30.000 đồng/kg xuống còn 10.000 đồng/kg. Chuối tây nải trung bình khoảng 16 quả cũng giảm từ 25.000 – 30.000 đồng/nải xuống còn 10.000 – 15.000 đồng/nải. Na vườn Hưng Yên có giá 20.000 – 30.000 đồng/kg, cũng giảm 50% giá so với hồi giữa tháng 7.
Nhiều loại trái cây cũng giảm giá.
Dọc các tuyến đường Tố Hữu (Hà Đông), Nguyễn Xiển, đại lộ Thăng Long có khá nhiều xe tải chở nhãn về bán. Các xe đều ghi là nhãn nồng Hưng Yên. Ở chỗ nào cũng bán với giá 15.000 đồng/kg. Ổi găng Đông Dư, Gia Lâm thông thường bán lẻ với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg thì hiện nay giá bán loại trái cây này trên địa bàn Hà Nội chỉ còn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo như ông Thành quê ở Hưng Yên cho biết, năng suất trên cùng 1 diện tích có thể tăng 10 – 20% so với năm trước, nhưng do nhiều địa phương cùng phát triển cây nhãn, dẫn đến nguồn cung quá lớn. Với giá bán như năm nay, người trồng chỉ thu được khoản tiền bằng khoảng 50 – 65% so với những năm trước trên cùng 1 diện tích trồng.
Cam sành ĐBSCL rớt giá
Những ngày gần đây, giá cam ở các tỉnh ĐBSCL đồng loạt giảm mạnh khiến nhiều nông dân như ngồi trên lửa.
Ông Đặng Văn Lòng, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: “Vườn cam dây rộng hơn 2 công của gia đình đã quá ngày thu hoạch nhưng kêu bán mãi mà thương lái không chịu mua, nguyên nhân do cam sụt giá thê thảm và khó tiêu thụ.
Cuối cùng phải năn nỉ và giảm giá bán xuống còn 7.000 đồng/kg đối với cam dây loại tốt, còn cam dây loại thường chỉ 3.000- 5.000 đồng/kg… tính ra lỗ vốn đầu tư”.
Giá cam sành ĐBSCL giảm mạnh.
Theo nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh… thì không chỉ cam dây sụt giảm thê thảm, mà cam xoàn và cam sành cũng giảm theo. Nếu như cam xoàn trước đây từ 20.000- 30.000 đồng/kg trở lên, thì nay giảm chỉ còn 17.000 đồng/kg; trong khi cam sành giảm xuống mức 13.000 đồng/kg…
Ông Trần Văn Chung, thương lái thu mua cam ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) tiết lộ: “Lâu nay cam dây chủ yếu đưa sang thị trường Campuchia tiêu thụ. Thế nhưng gần đây thị trường này giảm sức mua khiến giá cam giảm mạnh và rất khó bán”.
Theo thống kê đến nay diện tích cây cam của cả nước đạt khoảng 90.000ha (bình quân tăng diện tích cam khoảng 17% mỗi năm); trong khi trái cam chủ yếu tiêu thụ nội địa, còn xuất khẩu thì chưa bao nhiêu. Với tình hình trên, ngành chức năng tính toán chỉ cần khoảng 88.000ha cam là dư sản lượng tiêu thụ nội địa. Do đó, nông dân cần thận trọng việc ào ạt trồng cam sẽ dễ dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm mạnh.
Giá rau củ tăng mạnh
Khảo sát tại chợ đầu mối Dịch vọng cũng như một số chợ lẻ như Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Mĩ Đình, Yên Hoà, Thành Công… giá rau, củ quả đang có xu hướng tăng. So với tuần trước, giá các mặt hàng này tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí một số loại rau tăng gấp đôi.
Một số tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau, củ quả tại các chợ cho biết cách đây khoảng 1 tháng, giá rau củ ở tại các chợ truyền thống ở Thủ đô đã có một đợt tăng giá cao, nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tuy nhiên vài ngày nay, giá rau củ lại tăng bất thường. Trong đó, một số loại rau xanh khan hiếm, giá tăng chóng mặt, trong đó rau xà lách đã tăng giá gấp đôi.
Cụ thể như hiện tại các loại rau muống, cải xanh tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/bó lên 10.000 - 12.000 đồng/bó; bắp cải từ 10.000 - 12.000 đồng/kg đã tăng lên 15.000 – 20.000 đồng/kg, cà chua và cà rốt hiện cũng có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, rau quế, rau mùi tây 5.000 – 6.000 đồng/bó.
Giá rau củ tăng mạnh.
Trong khi rau xanh đua nhau tăng giá ở các chợ thì tại các siêu thị, giá rau vẫn ổn định hơn. Tuy nhiên, mức giá ổn định tại các siêu thị lại luôn cao hơn thị trường tự do từ 5.000- 6.000 đồng/kg.
Khu vực rau, củ, quả chợ Nghĩa Tân đầy ắp các loại rau xanh, củ, quả. Thế nhưng, dạo qua mấy vòng, chị Nguyễn Thuý Nga (37 tuổi, ở đường Tô Hiệu) vẫn chưa mua được món nào. “Chả hiểu sao, rau củ mấy hôm nay cứ tăng liên tục. Mấy hôm trước tôi vừa mua 5.000 đồng/bó rau muống mà bây giờ đã lên 10.000 – 12.000 đồng/bó” - Chị Nga chia sẻ.
Rau, củ quả ở chợ Mỹ Đình cũng “hét” giá trên trời, bó rau cải nhỏ nhưng cũng bị đẩy giá lên tới 10.000 đồng/bó.
Chị Trần Hà Thu, tiểu thương tại chợ Yên Hoà cho biết, nguồn cung mặt hàng rau củ quả khan hiếm hơn so với mấy ngày trước nên giá mặt hàng này bắt đầu tăng đột biến. Hơn nữa, do nhu cầu của người dân chuẩn bị lễ Vu Lan và lễ Quốc Khánh 2/9 khá cao nên chị Thu cho rằng giá sẽ không giảm nhanh. Theo chị Thu, giá rau củ tăng cao là thế nhưng vẫn không có hàng để bán.
Bên cạnh đó còn do thời tiết dạo này nắng mưa thất thường khiến rau củ hư hỏng nhiều, sinh trưởng kém nên cung không đủ cầu.
“Chúng tôi đều lấy hàng rau ở mối quen tuy nhiên, giá cả nhích hơn mấy ngày trước từ 8.000- 10.000 đồng/kg. Do lấy hàng giá cao nên buộc phải tăng giá bán và hàng rau vẫn bán chạy như trước khi chưa tăng giá”, chị Thu cho biết.