Giá vàng, dứa, cua... đồng loạt tăng mạnh. Ảnh minh họa
Giá vàng thế giới tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.977 USD/ounce, giảm mạnh 16 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Nguyên nhân chính tác động đến giá vàng tuần qua là rủi ro tăng cao. Hệ thống ngân hàng toàn cầu bị “rung lắc” khi 2 ngân hàng Mỹ và 1 ngân hàng ở Thụy Sỹ tạm thời rơi vào mất thanh khoản.
Mặc dù, các ngân hàng trung ương bao gồm Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã cùng với cơ quan chức năng của chính phủ các nước có những động thái tích cực làm ổn định hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong tuần, các ngân hàng trung ương kể trên đều tăng lãi suất điều hành, bất chấp hệ thống ngân hàng chưa hết khó khăn.
Trong tuần, đã 2 lần giá vàng thế giới vượt qua ngưỡng 2.000 USD/ounce, và đây cũng là mức giá cao nhất mọi thời đại, do đó nửa cuối phiên nhiều nhà đầu tư đã chốt lời.
Các phiên điều chỉnh của vàng thế giới đều có bước giá khá mạnh, với trên dưới 20 USD/ounce kể cả chiều tăng và giảm. Chốt tuần, giá vàng thế giới vẫn tăng gần 10 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Cả chuyên gia và giới đầu tư đều nhận định, giá vàng tạm thời thoái lui để chờ đợi các thông tin kinh tế vào tuần sau, trong đó có báo cáo tăng trưởng GDP quý 4 của Mỹ vào ngày 30/3. Mặc dù, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tại Mỹ vẫn giảm mạnh từ 197.000 đơn tuần trước nữa về mức 191.000 đơn, nhưng số liệu việc làm được nhận định đã giảm tốc tại Mỹ.
Cùng với đó, sau khi các ngân hàng trung ương tăng thêm lãi suất thì thị trường đang dõi theo "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng các nước. Những thông tin kể trên cho tín hiệu xấu đi, giá vàng lại tăng mạnh.
Trong nước, Giá vàng SJC tại tập đoàn DOJI niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 66,55 - 67,25 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,6 - 67,3 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng SJC trong nước tuần qua tăng lên 67,5 triệu đồng đã quay đầu đi xuống. Theo giới đầu tư và một số doanh nghiệp, thị trường vàng trong nước thiếu động lực từ nhà đầu tư nên giá vàng SJC biến động biên độ trong tuần qua không quá mạnh.
Kết tuần, trong khi vàng thế giới tăng thì tại DOJI và Phú Quý, vàng miếng SJC giảm 50.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Giá sầu riêng liên tục giảm
Ghi nhận tại các nhà vườn Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Đồng Nai cho thấy giá sầu riêng giảm 15-20% so với tuần trước, về mốc 75.000 - 85.000 đồng/kg. Giá này giảm một nửa so với mức đỉnh 190.000 đồng/kg hồi đầu tháng 2.
Chị Lành, ở Tiền Giang cho biết vừa bán 7 tấn sầu riêng Ri 6 với giá 75.000 đồng/kg. "Tôi tranh thủ bán vì sợ chúng rớt tiếp", chị Lành nói.
Tại vườn của chị Hạnh (Cần Thơ) cũng đang tất bật thu hoạch và bán với giá bằng một nửa so với đầu tháng 2. Trong đó, hàng loại 3 xuống quanh 45.000 đồng/kg. "Sắp tới, khi có thêm các nhà vườn ở Bình Phước, Đồng Nai đến vụ, giá sầu riêng có thể giảm thêm", chị Hạnh dự đoán.
Giá nhập kho hàng của các doanh nghiệp ở Bến Tre, Tiền Giang chuẩn bị xuất khẩu hiện cũng giảm về dưới 100.000 đồng/kg.
Theo đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa, các đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn đang tăng mạnh, tuy nhiên giá lại giảm nhanh. Cụ thể, giá thu mua cho hàng loại A nhập kho là 95.000 đồng, loại B khoảng 75.000 đồng/kg. "Mỗi ngày, chúng tôi thu mua 20-30 tấn từ các đầu mối", đại diện Vạn Hòa nói.
Lý giải nguyên nhân giá sầu riêng liên tục giảm, các thương lái cho rằng mặt hàng này đã bắt đầu rộ vụ. Đặc biệt, ngoài hàng miền Tây, sản phẩm từ các vườn ở Đồng Nai, Bình Phước sắp đến tuổi cắt bán nên nguồn cung dồi dào.
Ngoài ra, từ cuối tháng 3, thị trường xuất hiện nhiều trái cây nhiệt đới như chôm chôm, mận và sắp tới là vải thiều sẽ khiến sầu riêng giảm sức hấp dẫn.
Dự báo về giá sầu riêng thời gian tới, các đơn vị thu mua cho rằng từ tháng 5, giá trái cây này sẽ còn biến động khi hàng từ các tỉnh Tây Nguyên vào vụ. Trong khi đó, hàng của Thái Lan, Philippines cũng rộ mùa nên sầu riêng Việt sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh.
Giá dứa tại Tiền Giang tăng mạnh
Hiện nay, giá dứa thương phẩm tại huyện Tân Phước trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) đang tăng mạnh. Thương lái thu mua tại ruộng giá bình quân 7.500 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Người dân thu hoạch thời điểm này đạt giá trị khoảng 150 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, cư ngụ tại ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ có 9 ha dứa chuyên canh cho biết, trong tháng qua, gia đình ông bán khoảng 12 tấn dứa quả, giá gần 5.000 đồng/kg. Ông Tùng đánh giá, giá dứa trong thời gian tới tiếp tục ổn định cao, thậm chí có thể còn tăng mạnh hơn do nguồn cung trong dân đã cạn nhưng nhu cầu lại lớn. Hy vọng đợt thu hoạch trong tháng tới sẽ đem lại cho gia đình bội thu về năng suất cũng như giá cả.
Nông dân Võ Đại Hải, cư ngụ tại ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ, canh tác 40 ha dứa chuyên canh cho biết, ông vừa thu hoạch trên 100 tấn quả, bán thu 750 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng gần 500 triệu đồng.
Cà Mau: Giá cua biển tăng 300.000 đồng/kg
Giá cua gạch ngon nhất miền Tây tại Cà Mau những ngày qua luôn được thương lái đến tận vuông thu mua với giá rất cao. Cụ thể, cua gạch loại 1 có giá 800.000 đồng/kg tăng 300.000 đồng/kg; cua y (loại hơn 300gram/con) 430.000 đồng/kg tăng 100.000 đồng/kg.
Theo các hộ dân nuôi cua, do thời điểm này lượng cua thương phẩm thu hoạch không nhiều. Trong khi nhu cầu từ các nhà hàng, quán ăn, chợ đầu mối lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội rất cao. Thêm nữa, thời gian qua, thị trường xuất khẩu cua sang Trung Quốc ổn định hơn nên đẩy giá cua tăng cao.
Tại các vựa cua ở TP Cà Mau, sau 15 giờ hằng ngày người mua khó tìm được cua ngon. "Do lượng cua thời điểm này ít, buổi sáng, sau khi các thương lái giao hàng xong là chúng tôi đóng hàng gửi đi hết nên vựa chỉ còn cua dạt, cua yếu không chuyển đi được", một chủ vựa cua ở Phường 2, TP Cà Mau nói.
Ông Lê Minh Khởi (ngụ xã Đất Mới, huyện Năm Căn, Cà Mau), cho biết: "Do tôi thả cua giống nối đuôi nên thời điểm nào cũng có cua bán. Từ giữa năm ngoái đến năm nay, giá cua luôn giữ ở mức giá khá cao nên tôi có nguồn thu nhập ổn định. Một ngày, tôi đặt lợp cua được quân bình 7 - 8 con, bán trên 2 triệu đồng".
Theo nhận định của nhiều thương lái, giá cua biển Cà Mau sẽ tăng từ đây cho đến thanh minh và qua lễ 30/4-1/5 mới "hạ nhiệt". Giá cua tại thời điểm này có thể sẽ tăng lên hơn 1 triệu đồng/kg.
Tôm thẻ chân trắng được mùa, được giá
Vụ tôm năm nay, ông Đỗ Văn Hùng (ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thu hoạch hơn 7 tấn tôm thẻ chân trắng. Ông Hùng nuôi tôm đã 6 năm nay nhưng chưa bao giờ được mùa, được giá như vụ này. 1 kg tôm thẻ chân trắng bán từ 130.000 đến 140.000 đồng. Trừ chi phí, vụ này gia đình ông Hùng lãi ròng 600 triệu đồng.
Ông Hùng đầu tư 3 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 18.000 m2, mỗi năm thả nuôi 3 vụ, 3 tháng cho thu hoạch một lần. Trước đây, ông làm nghề khai thác hải sản, thu nhập bếp bênh, khi chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng, kinh tế ổn định hơn.
Ông Hùng chia sẻ: “Năm nay giá cả được hơn so với mọi năm, sản lượng đạt, có thu nhập, thương lái tới tận chỗ mua, nên người dân nuôi tôm như tôi rất phấn khởi. Nhờ đó có điều kiện cho con ăn học, nhà cửa ổn định. Vụ nuôi tôm này tôi lãi khoảng 500 - 600 trăm triệu đồng trên 3 ao nuôi. Chính quyền địa phương có hỗ trợ thuốc diệt khuẩn xử lý môi trường, tập huấn lịch nuôi thả thời vụ, đảm bảo thời gian. Sắp tới tôi dự kiến đầu tư mở rộng thêm diện tích ao nuôi".
Mấy năm trước, nhiều người nuôi tôm ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thua lỗ nhưng năm nay nhờ áp dụng kỹ thuật cộng với thời tiết thuận lợi nên sản lượng tôm đạt cao. Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên cho biết, cả xã có gần 150 hộ nuôi tôm trên diện tích 80 ha, chủ yếu thôm thẻ chân trắng. Sản lượng vụ này đạt từ 4 đến 4,5 tấn/1 ha.
Theo ông Vinh: “Nhiều hộ đã thu hoạch rất lớn có hiệu quả cao, giá trị lớn, nhân dân rất phấn khởi vui mừng. Năm nay giá tôm cơ bản được giá rất cao, tôm 100 con khoảng 135.000 đồng/kg so với các năm khách cao hơn từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Trước đây có một số hộ làm dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp sau đó có cơ chế quy hoạch, bố trí số diện tích để khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Chuyển đổi mô hình từ nuôi tôm ao đất sang lót bạt hiệu quả cao hơn, giảm được dịch bệnh".