Giá cam sành, cá lóc, xăng dầu đồng loạt giảm; trong khi giá thanh long, mắc kham tăng cao. Ảnh minh họa
Cam sành rớt giá thê thảm
Ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) trồng 6 công cam sành, hiện đã quá lứa thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được dù gọi cho thương lái nhiều ngày nay. "Hiện thương lái cứ kỳ kèo ép giá, cam loại 1 thì họ mua giá 2.000 đồng/kg, còn bán xô chỉ 1.000 đồng/kg. Vườn cam của tôi đã lỡ vụ, chín vàng, thương lái cứ ép giá, đến nay vẫn chưa bán được", ông nói.
Ở huyện Trà Ôn, hiện có rất nhiều vườn cam tới lứa thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ, nếu bán được thì giá cũng bị ép rất thấp. Ông Trần Văn Lắm (ngụ xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết mùa này thời tiết thuận lợi nên vườn cam 8 công cho năng suất khoảng 40 tấn. Thương lái vào vườn mua với giá chỉ 1.000 đồng/kg.
"Với giá này, tôi cầm chắc lỗ từ 60 - 70 triệu đồng/công. Bán thì lỗ, không bán thì trắng tay, vì cây cam sẽ hư hỏng, chết hoặc sản lượng mùa sau giảm mạnh", ông Lắm buồn rầu nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tám - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Ôn, đây là mùa thuận nên giá cam rất bấp bênh. Những hộ trồng cam sành có liên kết bán được giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, còn những hộ trồng bên ngoài bán khó hơn, có lúc bán 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Nhiều thương lái cho biết giá cam sành đến tay người tiêu dùng cũng ở mức rất thấp do cam đang vào chính vụ. Thời tiết mùa lạnh cũng đang đến nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Trong khi cam sành chỉ bán được ở thị trường trong nước.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân là giá cam những năm 2015 - 2020 luôn ở mức cao, lợi nhuận mang lại từ cây trồng này quá hấp dẫn.
Giá thanh long tăng cao
Cụ thể, tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang, thương lái hiện thu mua tại vựa với giá 42.000 đồng/kg (loại I), 37.000 đồng (loại II), 32.000 đồng/kg (loại III), 23.000 đồng/kg (loại III), riêng thanh long ruột trắng có giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg.
Thời điểm hiện tại giá thu mua thanh long cuối mùa chính vụ năm nay cao gấp 3 lần so cùng thời điểm năm trước. Thanh long hiện nay có giá cao vì mùa chính vụ đã sắp hết, hầu hết các vườn đã sắp hết trái nên nguồn cung thấp hơn cầu. Với giá này, nông dân vùng chuyên canh thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng/ha.
Anh Võ Phú Cường (ngụ xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), trồng 0,4 ha thanh long, vừa thu hoạch 7 tấn thanh long cuối mùa với giá 24.000 đồng/kg được gần 170 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Anh cho biết, thanh long chính vụ năm nay có giá cao gấp 2-3 lần năm 2022 nên người trồng có thu nhập cao, yên tâm đầu tư cho cây thanh long, tiếp tục chăm sóc vườn để chuẩn bị cho sản xuất nghịch vụ (xử lý ra hoa trái vụ bằng cách xông đèn).
Giá mắc kham tăng mạnh
Vài ngày trở lại đây, mắc kham bất ngờ gây sốt trên “chợ mạng”. Theo đó, mắc kham (hay còn gọi là me rừng) được rao bán khắp các chợ online lớn nhỏ với lời quảng cáo vỏ bên ngoài ngọt, cắn ăn sẽ thấy chua chát nhẹ và vị ngọt hậu.
Loại quả rừng này có giá dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.
Chị Đinh Thị Ngân - đầu mối bán trái cây online ở Thanh Xuân (Hà Nội) - thừa nhận, vài ngày trở lại đây, lượng mắc kham bán ra tăng mạnh.
Chị cho biết, mắc kham là loại quả rừng có nhiều ở vùng núi Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Từ tháng 9 hàng năm, người dân thường vào rừng hái mắc kham đem về bán. Bởi, loại quả này ăn ngon lại có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ.
“Đầu mùa, tôi bán mắc kham xanh giá chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nay giữa mùa, mắc kham rám có giá 70.000 đồng/kg, đắt gấp đôi”, chị nói. Song, mỗi ngày, chị vẫn bán hết 80-90kg mắc kham.
Anh Bùi Trung Hiếu, đầu mối đổ sỉ mắc kham tại Lạng Sơn, chia sẻ, có những ngày anh tiêu thụ hết gần 1 tấn hàng.
Ở vùng Lạng Sơn, bà con vào núi hái mắc kham và được gia đình anh Hiếu gom mua lại. Những năm trước, anh bán mắc kham tươi không nhiều vì ít người ăn. Thế nên, hàng mua được của bà con anh thường đem làm món mắc kham ướp, giống như muối cà pháo.
Quả ướp để càng lâu ăn càng ngon, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể được vài tháng. Tuy nhiên, khi ướp xong, anh đổ sỉ luôn cho các đầu mối ở các tỉnh, trong đó khách Hà Nội chiếm phần lớn.
Năm nay, lượng mắc kham tươi đổ sỉ tăng cao. Đặc biệt, từ cuối tháng 11 đến nay, 2/3 lượng hàng gom được anh đều đổ sỉ cho các mối, số còn lại mới đem ướp rồi đóng hộp bán.
“Mối sỉ nói mắc kham gây sốt, được nhiều người mua ăn tươi nên lượng hàng họ nhập cũng tăng hơn trước”, anh cho hay. Theo anh, khi ăn tươi nên chọn những quả mắc kham có vỏ rám. Đó là những quả đã già, khi ăn đảm bảo độ giòn, vị chua chát nhẹ và ngọt hậu. Vỏ mắc kham rám cũng có vị ngọt thanh đặc biệt. Quả có vỏ xanh có vị chua nhiều hơn, hợp làm món ướp.
Cá lóc Trà Vinh giảm giá, nông dân lỗ nặng
hời điểm này, giá cá lóc ở tỉnh Trà Vinh chỉ dao động phổ biến ở mức 28.000 - 33.000 đồng/kg. Trong khi đó, để nuôi 1kg cá, nông dân phải tốn chi phí khoảng 40.000 đồng.
Ông Thạch Ngọc Thanh (ngụ xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết, ông có 4 ha mặt nước nuôi 1.000 tấn cá. Hiện cá lóc của ông đã vào lứa chuẩn xuất bán, trọng lượng từ 0,5 - 1kg/con. Nhưng giá bán sụt giảm từ 20-30% so với chi phí đầu tư.
Theo ông Thanh, hiện nay chi phí thức ăn và các loại thuốc kháng sinh đầu tư cho 1kg cá thành phẩm mất khoảng 40.000 đồng, với giá hiện nay, nếu xuất bán, ông lỗ từ 8 - 12 triệu/tấn cá.
“Hiện nay, tôi bán cầm chừng để chờ giá tăng trở lại, nhưng cũng chỉ hết tháng 2/2024 là phải dọn sạch ao để thả con giống mới. Hy vọng vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tới đây, sức mua cải thiện và giá cá đảo chiều tăng trở lại”, ông Thanh cho biết thêm.
Ông Kim Sơn (ngụ xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết, nhà ông có 1 ha nuôi cá thâm canh. Gần 3 năm qua chưa khi nào giá bán thấp như hiện nay. Giá cả sụt giảm đã đặt nông dân vào thế khó.
Theo ông Sơn, nếu “bán đổ, bán tháo” thì lỗ nặng. Còn nếu “neo cá” sẽ làm gia tăng chi phí đầu tư thức ăn, cá vượt ngưỡng phát triển và ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến thời gian vệ sinh ao trước khi thả nuôi đợt tiếp theo.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm
Tại kỳ điều chỉnh ngày 7/12, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 giảm 509 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 668 đồng/lít; Dầu diesel giảm 475 đồng/lít; Dầu hoả giảm 194 đồng/lít; Dầu mazut giảm 202 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.290 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 22.322 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.721 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 20.922 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 15.527 đồng/kg.