Trước khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, giới chuyên gia tài chính thế giới có những nhận định hết sức ảm đạm nếu như Trump trúng cử. Theo đó, thì giá vàng sẽ tăng cao và thị trường chứng khoán sắc đỏ bao trùm. Tuy nhiên, kỳ lạ thay mọi dự đoán đó đều sai bét, khi giá vàng thế giới hạ nhiệt, còn thì trường chứng khoán có những phản ứng rất tích cực.
Giá vàng trong nước và thế giới có những phản ứng trái chiều
Sự kiện ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã đẩy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng lại nổi sóng trong suốt tuần qua bởi sự kiện tranh cử Tổng thống Mỹ, riêng trong ngày 9/11, giá vàng thế giới có lúc tăng 27 USD, lên mức 1.335 USD/ounce. Nhưng chốt ngày, giá vàng thế giới giảm nhẹ ở mức 1.318 USD/ounce, tương đương 35,55 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đến 15h chiều cùng ngày được niêm yết ở mức 36,80 – 37,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 400 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 450 nghìn đồng chiều bán ra so với thời điểm cách đó một tiếng và tăng 1 triệu đồng/lượng so với lúc mở cửa giao dịch.
Như vậy hiện tại vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch này đã tăng khoảng 1,2 triệu đồng so với phiên giao dịch buổi sáng.
Sự kiện ông Donal Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã đẩy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng |
Câu hỏi đặt ra: Tại sao giá vàng trong nước lại tăng mạnh hơn giá vàng thế giới? Sự kiện ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ tác động thế nào tới giá vàng trong nước?
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, khẳng định sự kiện ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ chưa ảnh hưởng gì đến Việt Nam cả. Nếu có, thì nước Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng chứ đâu có ảnh hưởng đến giá vàng của Việt Nam.
Ông Kiên khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng trước xu hướng tăng giá vàng vì tâm lý kỳ vọng và có sự tham gia của những tay to tát nước theo mưa.
Thị trường chứng khoán toàn cầu sắc xanh tràn ngập
Chốt phiên giao dịch 9/11, thị trường chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc xanh, với các cổ phiếu ngành tài chính, y tế và công nghiệp đều tăng mạnh, trong bối cảnh giới đầu tư hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ giữ cam kết tăng chi ngân sách trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Trước đó, sàn giao dịch New York đã mở phiên với tâm lý tiêu cực, khi các chỉ số chính đều đồng loạt giảm điểm. Tuy nhiên, giai đoạn là tương đối ngắn trước các cổ phiếu blue-chip bắt đầu tăng tốc.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 256,30 điểm, tương đương 1,4%, lên mức 18.589,04. Đây là mức chốt phiên cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 8 đến nay.
Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 7/11. (Nguồn: AP/TTXVN) |
Trong khi đó, các chỉ số chính khác là S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đều chốt phiên giao dịch tăng 1,1% so với ngày hôm trước.
Trước đó cùng ngày, chỉ số chính tại các sàn giao dịch châu Âu như London, Berlin hay Milan cũng có những biến động tương tự, khi mất điểm ở mở phiên và kết thúc tăng điểm ở chốt phiên giao dịch. Kết quả này là trái ngược với thị trường chứng khoán châu Á cùng ngày khi hầu hết các sàn giao dịch chính đều giảm điểm ở chốt phiên.
Theo các nhà phân tích, những biến động trên phần nào phản ánh sự bất định của thị trường, với tác động từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Dường như các nhà đầu tư cho rằng việc đảng Cộng hòa giờ đây kiểm soát cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ có thể là tin tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.
Bên cạnh đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump cũng nhiều lần khẳng định kế hoạch tăng chi ngân sách và tiến hành cắt giảm thuế.
Ngoài ra, theo giới phân tích, dường như thị trường vẫn tin vào khả năng ông Trump giành chiến thắng, do đó không xảy có tác động mạnh như kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc London rời Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng Sáu vừa qua.