Xuất phát từ nhu cầu
Phóng viên đã tìm hiểu tại chợ Hàng Mã, nơi bán buôn, bán lẻ nhiều nhất các mặt hàng đồ chơi trung thu. Theo phản ánh của một số tiểu thương, năm nay, các mặt hàng đồ chơi bằng giấy, lụa truyền thống của Việt Nam cũng tăng hơn so với năm trước. Tuy nhiên, do giá cả, mẫu mã nêu vẫn còn ít người lựa chọn đồ chơi truyền thống.
Các hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã, Hàng Lược bán đồ chơi trung thu đều có cả sản phẩm truyền thống và đồ nhựa, nhưng đồ nhựa chiếm phần lớn trong gian hàng.
Một số bà mẹ cho con đi mua sắm chia sẻ: Vào mỗi dịp Trung thu, cũng muốn các con sử dụng sản phẩm đèn lồng, đèn ông sao, hay mặt nạ truyền thống. Tuy nhiên, nhiều trẻ rất thích đồ chơi làm bằng nhựa. Vì đây là những sản phẩm có mẫu mã đẹp, đa dạng chủng loại và điểm nổi bật khiến cho trẻ em thích thú đó là phát ra nhạc, phát sáng, hoặc có sự chuyển động, như: Súng nhựa, xe ô tô, nhạc trong các con búp bê nhựa…
Người phụ nữ này cố gắng lôi kéo con mua đèn lồng giấy, nhưng con trai chị vẫn mải mê tìm sản phẩm khác.
Cùng với đó, đối tượng con trẻ lại thích những chiếc mặt nạ nhựa vì nó theo xu hướng của thời đại như các nhân vật trong phim hoạt hình hay các phim hay đang ăn khách. Chính vì thế, các gian hàng kinh doanh đều phải bán cả mặt hàng làm thủ công truyền thống và các sản phẩm làm từ nhựa để khách hàng lựa chọn.Một người bán hàng tại phố hàng Lược chia sẻ: Mặt nạ giấy bồi truyền thống phải cạnh tranh với mặt nạ nhựa cả về giá cả và mẫu mã. Một số người vì sức khỏe của con em, với mức giá mấy chục nghìn đồng vẫn mua được. Nhưng phần lớn họ chọn mặt nạ mức giá thấp.
Gian hàng đồ chơi rộng lớn tại Big C Thăng Long có khá nhiều đồ làm bằng nhựa.
Không chỉ ở chợ, mà trong siêu thị Big C chỉ có số lượng rất ít ỏi là đèn lồng giấy, còn lại đều là đồ chơi nhựa. Mặc dù, các sản phẩm làm từ nhựa ở đây được tuyển chọn từ những DN làm có uy tín, nhưng việc chiếm lĩnh không gian rộng lớn trong siêu thị cho thấy sự thịnh hành của chúng trên thị trường đồ chơi cho trẻ em nói chung và Tết Trung thu nói riêng.
Giá các mặt hàng truyền thống cao
Giá các mặt hàng truyền thống cũng cao hơn đồ nhựa cùng loại. Theo khảo sát của phóng viên, các mặt hàng nhựa do làm theo dây chuyền, nên giá cả thấp hơn nhiều các loại làm thủ công. Ví dụ, một chiếc mặt nạ bằng nhựa chỉ có giá 5.000 - 10.000 đồng; nhưng mặt nạ giấy bồi truyền thống của Việt Nam giá 30.000 đồng/chiếc trở lên tùy theo to hay nhỏ.
Những đứa trẻ rất thích thú chọn dao, kiếm bằng nhựa.
Cùng với mặt nạ, những chiếc đèn ông sao trước kia được dán bằng giấy màu. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các đèn ông sao đều dán bằng giấy nilon và dây kim tuyến cũng bằng nilon. Theo một người dán đèn ông sao ngay trên phố Hàng Lược chia sẻ: Giấy đèn ông sao được làm bằng nilon kể từ in, cắt bằng máy đồng loạt và dễ dán. Nhưng đèn ông sao giấy giờ rất hiếm người làm, vì phải cắt dán thủ công, mất thời gian, do đó chắc chắn giá sẽ cao. Hiện chỉ có một số người làm vì yêu thích và sáng tạo thêm một số hoạ tiết để chơi, hoặc tặng.Chiếc đèn lồng bằng giấy của Việt Nam cũng có nhiều màu sắc, nhưng dễ rách nát; còn chiếc đèn nhựa Trung Quốc có cả đèn và nhạc, khó hư hỏng. Giá của các loại đèn lồng cũng có giá gần tương đương nhau từ 30.000 đồng/chiếc trở lên.
Cùng với đó, mẫu mã của các mặt hàng truyền thống không nhiều, chỉ đếm được trên đầu ngón tay như: Mặt nạ, đầu sư tử, đèn lồng, đèn ông sao, trống... Phần lớn trẻ em chỉ chơi được mặt nạ, đèn ông sao, đèn lồng. Còn đầu sư tử và trống thì phải chơi có hội và phải có sân chơi. Trong khi đó, ở thành phố, sau giờ học những đứa trẻ không được ra ngoài nếu không có người lớn đi kèm, do lo ngại bị bắt cóc, tai nạn. Những sản phẩm đồ nhựa trẻ em có thể chơi một mình trong nhà.
Những chiếc đèn ông sao giấy bây giờ đã vắng bóng trên thị trường, thay vào đó là đèn ông sao dán bằng giấy nilon.
Ngày 25/10/2019, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy và thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường”.Ngày 9/6/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, với thông điệp: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.
Nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân đã thay đổi tư duy, giảm cung cấp và sử dụng đồ nhựa, nilon sau chỉ đạo kể trên; nhưng ở mảng đồ chơi cho trẻ em thì vẫn thịnh hành của sản phẩm đồ chơi nhựa, giấy nilon lấn át cả hàng truyền thống. Việc giảm thiểu sản phẩm đồ nhựa, giấy nilon trong sản xuất đồ chơi cho trẻ em nói chung và đồ chơi Tết Trung thu nói riêng cần sự chung tay của cả nhà sản xuất, người kinh doanh và tiêu dùng.