Quá bán vượt ngoài dự đoán của chuyên gia
Nhìn lại thị trường chứng khoán hơn 1 tuần qua, kể từ ngày 15/4 đến 22/4, trong 7 phiên đóng cửa chỉ có duy nhất phiên 22/4 chỉ số VN-Index tăng trên 9 điểm. Còn lại các phiên đều giảm mạnh từ trên 13 điểm đến gần 26 điểm.
Điều đáng nói ở đây là ngoài các cổ phiếu của DN làm ăn kém hiệu quả, hay những đơn vị có “ông chủ” vướng vào vòng lao lý như: FLC, Trí Việt hay Louis … mới bị bán tháo ở mức giá sàn mà nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, vừa mới báo lãi gấp nhiều lần, hay nhiều chục % vẫn bị bán tháo ở mức giá sàn.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu thủy sản, có đơn vị Vĩnh Hoàn mã VHC báo lãi quý 1/2022 là 319% so với cùng kỳ, nhưng phiên ngày 22/4 vẫn bị bán ở mức giá sàn, mất 7%, xuống 95.800 đồng/CP; ACL cùng nhóm báo lãi 473% trong quý 1, nhưng phiên 22/4 cũng bị bán sàn mất 6.9% về 30.850 đồng/CP; mã IDI còn báo lãi 857%, nhưng có 2 phiên liền là 21 và 22/4 đều bị bán giá sàn mất hơn 6,9% mỗi phiên, đứng phiên ngày 22/4 tại 24.900 đồng/CP.
Mặc dù VN-Index tăng hơn 9 điểm phiên 22/4 nhưng trên sàn HOSE vẫn nhiều mã giảm sàn.
Nhóm hóa chất và phân bón có mã DPM báo lãi quý 1 tăng 1088% so với cùng kỳ, nhưng mã này có 1 phiên giảm mạnh gần về giá sàn mất 6,79% vào ngày 20/4 và giảm sàn vào phiên 22/4 mất gần 7% về 66.600 đồng/CP; CSV báo lợi nhuận tăng 203%, nhưng có 3 phiên liền cuối tuần này giảm mạnh từ gần 2% đến 7%. Trong đó, phiên ngày 22/4 giảm sàn mất 7%; LAS báo lợi nhuận tăng 29% trong quý 1, nhưng có đến 3 phiên giảm giá mạnh, trong đó, phiên ngày 20/4 mất 5,5%, ngày 21/4 mất 7,89% và ngày 22/4 giảm sàn mất 9,71%.
Nhóm vận tải biển và logisctics cũng có mã HAH lợi nhuận sau thuế tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến trả cổ tức đến 50%, nhưng phiên ngày 20/4 mã này giảm gần 6% và ngày 22/4 giảm sàn mất 7%....
Hay mã ngành dệt may TNG vừa công bố lợi nhuận quý 1/2022 tăng 73,71% so với cùng kỳ. Thế nhưng, trong 4 phiên gần nhất, chỉ có 1 phiên tăng 1,58% ngày 21/4, còn ngày 19/4 giảm mạnh 6,43%, ngày 20/4 giảm 3,31% và ngày 22/4 giảm sàn mất 9,84%, khiến nhiều nhà đầu tư sững sờ.
“Ông lớn” ngành công nghệ là FPT, công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận sau thuế tăng 95,21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” của thị trường chứng khoán những ngày qua. Mã FPT ngày 18 và 19/4 đều giảm sàn mất 6,9%, ngày 20/4 giảm nhẹ 0,6%, nhưng ngày 22/4 tiếp tục giảm sâu mất 3,09%.
Nhìn lại thị trường chứng khoán tuần qua, không ít chuyên gia tư vấn và môi giới cổ phiếu nói rằng, “diễn biến của thị trường chứng khoán vượt ngoài dự báo phân tích kỹ thuật”. 6 phiên giảm điểm mạnh liên tiếp trong khi nội tại nền kinh tế khá tích cực.
Nguyên nhân chính khiến thị trường lao dốc trong tuần qua, ngoài hiệu ứng domino từ những cổ phiếu kém bị giảm sàn thì còn do lệnh call margin & force sell. Cụ thể, call margin hay còn gọi là lệnh gọi ký quỹ, còn force sell là trạng thái tài khoản vay mua chứng khoán của nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ.
Nói dễ hiểu nhất là khi nhà đầu tư A có 100 triệu đồng mua cổ phiếu B và được công ty chứng khoán cho vay tối đa là 60% số vốn hiệu có. Do đó, sức mua tăng lên tối đa là 160 triệu đồng. Nhưng khi giá cổ phiếu B giảm xuống 30%, mất 48 triệu đồng, còn 112 triệu đồng. Trừ đi khoản vay của công ty chứng khoán là 60 triệu đồng, giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư A chỉ còn 52/160 triệu đồng, bằng 32,5%, thấp hơn tỷ lệ ký quỹ theo quy định của công ty chứng khoán.
Lúc này, nhà đầu tư chỉ có hai cách xử lý, đó là: Nộp thêm tiền mua cổ phiếu để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định; hoặc bán một phần cổ phiếu để trả tiền vay cho công ty chứng khoán. Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng thời hạn thì công ty chứng khoán buộc phải bán một phần chứng khoán của nhà đầu tư để giải chấp.
Chính vì thế, 6 phiên liền nhiều nhà đầu tư đã phải bán tháo cổ phiếu theo lệnh call margin & force sell. Do đó, đã xảy ra tình trạng, cổ phiếu tốt hay không tốt đều bị bán tháo nhằm thực hiện tỷ lệ ký quỹ.
Nhà đầu tư nên vững tâm lý
Sau khi VN-Index rơi từ mức 1.472,12 điểm chốt phiên cuối tuần trước, xuống 1.370 điểm ở phiên chốt phiên 21/4, mất hơn 102 điểm trong vòng 1 tuần. Chỉ sau khi các lệnh call margin & force sell được hạn chế, lực cầu quay lại, chỉ số VN-Index phiên cuối tuần 22/4 đã bật tăng hơn 9 điểm.
Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng mạnh đến chỉ số VN-Index. Cầu tăng tốt ở nhóm VN30 và cung giá thấp được tiết giảm trong phiên 22/4.
Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên vững tâm lý, không hoang mang. Bởi nhiều thị trường quốc tế vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và chiến sự leo thang tại Ukraine, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng, tăng trưởng GDP tốt. Xuất khẩu và vốn FDI đầu tư từ nước ngoài tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô ổn định. Việc chấn chỉnh lại thị trường tài chính chứng khoán chỉ giúp cho nhà đầu tư có môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng luật.
Chuyên gia chứng khoán tại SSI khuyến cáo: Những nhà đầu tư có mức chấp nhận rủi ro thấp, hoặc đang sử dụng đòn bẩy vay margin không nên bắt "dao rơi" khi thị trường chưa thật sự ổn định. Nhà đầu tư nên quan sát kỹ thị trường ít nhất trong 1-2 tuần nữa rồi mới quyết định có mua tiếp hay không.
Nhìn chung, chiến lược bắt đáy thực chất là đặt cược vào quan điểm kỹ thuật cũng như kỳ vọng một yếu tố hỗ trợ đủ tốt để tạo giá tăng ngắn hạn. Theo đó, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu có biên độ tăng giá tốt hơn VN-Index để đạt lợi nhuận cao trong thời gian phục hồi.
Hiện, thị trường chưa có thể phục hồi đủ mạnh do các tác động xấu từ bên ngoài mạnh hơn yếu tố hỗ trợ nội tại là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu thị trường hồi dần lên dần thì call margin & force sell sẽ giảm dần. Còn nếu thị trường vẫn cứ điều chỉnh xuống mãi thì vẫn lực bán chéo tiếp tục tiếp diễn cho đến khi hết call margin & force sell thì thôi.