Trời rét đậm, người trồng đào "lo sốt vó"
Tết cổ truyền của dân tộc đang dần gõ cửa, nhưng những người dân trồng đào ở Nhật Tân (Tây Hồ) lại đang sống trong nỗi lo "có trồng mà không có thu" vì thời tiết vẫn còn rét đậm, rét hại kéo dài.
Nhiều hộ trồng đào đã phải chuẩn bị dụng cụ để ủ ấm cho những cây đào bằng những tấm ni lông to dùng để trùm cả cây đào, bên trong thắp thêm bóng đèn điện vàng.
Người trồng đào Nhật Tân đang hồi hộp với vụ đào Tết vì thời tiết biến động thất thường.
Anh Nhật, chủ khu vườn đào thế lâu năm tại Nhật Tân cho biết, nhà anh có hơn 100 gốc đào thế, mỗi gốc trị giá thấp nhất là 2,5 triệu đồng, cao nhất lên đến 15 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay chỉ có 70 cây có thể bán trong dịp Tết Nguyên đán bởi nhiều cây không ra hoa. Theo anh Nhật, thời điểm này vẫn còn sớm để nói hoa có nở đẹp hay không bởi thời tiết từ ngày 10 – 13 tháng Chạp mới là lúc quan trọng nhất, quyết định thắng thua.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, người có thâm niên trồng đào ở Nhật Tân cho biết, do sợ trời rét đậm nên gia đình đã cho xử lý tuốt lá để tăng dinh dưỡng cho nụ. Theo anh Hạnh, giá rét không ảnh hưởng đến chất lượng hoa, trái lại càng rét “mắt đào” càng thắm, hoa căng hơn. Theo kinh nghiệm trồng đào hơn 15 năm của anh Hạnh thì lạnh đến mấy nhưng nếu đến ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) mà hửng nắng thì đào sẽ rất đẹp. Tuy nhiên, năm nay thời tiết biến đổi khá thất thường nên 200 gốc đào của vườn vẫn luôn trong trạng thái “chăm sóc đặc biệt”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chủ vườn đào Tuấn Việt cho biết, là chủ của 4 vườn đào nhưng cây không ra hoa tới gần 50% nên phải gom thành 1 vườn. Lý do cây chết nhiều bởi đợt nắng nóng đầu năm 2017 khiến các cây bị “nở quá lực” nên năm nay nhiều cây không thể ra hoa, phải tiếp tục chăm để chờ vụ Tết năm sau. Dù vậy, năm nay những cây sống chắc chắn sẽ ra hoa đẹp hơn năm ngoái bởi năm nay có 1 tháng nhuận khiến cho hoa thắm, lá múp hơn.
Ở Nhật Tân, ngoài những hộ chuyên đào thế thì còn có nhiều hộ trồng đào cành, với họ năm nay hứa hẹn là một mùa đào bội thu. Ông Chiến (cụm 2, phường Nhật Tân) cho biết, đào cành năm nay phát triển rất tốt, sẽ đơm hoa đẹp vào dịp cận Tết. Rất nhiều lái buôn và người chơi đã lên vườn để chọn cành đào ưng ý. Một số cành đã được tuốt lá sớm, ra hoa sớm mang ra chợ Quảng An để bán trước Tết. Ghi nhận tại chợ Quảng An (Tây Hồ), từ đầu tháng 1/2018 đã có đào cành bày bán dọc khu chợ. Mỗi cành đào có giá từ 150 đến 400 ngàn đồng.
Quất bonsai được mùa
Người làng Tứ Liên đang tất bật chuẩn bị cho Lễ hội quất Tứ Liên 2018. Ông Lê Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho biết, năm nay hàng trăm hộ dân trồng quất đều đang phấn khởi vì cây quất phát triển tốt, cây to, quả sai. Giá quất năm nay cao hay thấp thì vẫn chưa rõ ràng, bởi còn tùy thuộc vào thị trường.
Nắm bắt thị hiếu người Hà Nội, nhiều chủ vườn quất Tứ Liên bỏ quất truyền thống chuyển sang trồng cây quất bonsai trong chậu nhỏ. Tại làng quất Tứ Liên, quất truyền thống và cả quất bonsai đều đã cứng cây, quả vàng màu. Chủ vườn quất cảnh Ngọc Ngân (Tổ 27, cụm 4 Tứ Liên) cho biết, do chung cư phát triển nên nhu cầu cây quất nhỏ cũng vì thế “lên ngôi”. Quất truyền thống cồng kềnh, to nặng bê đi bê lại tốn công sức, thời gian nên người dân đã thay đổi “gu” mua sắm. Quất bonsai có nhiều mức giá, tùy thuộc vào độ lạ của thế cây, độ “độc” của bình trồng… mức giá dao động từ 300 ngàn đến 3 triệu đồng/cây. Đặc biệt, năm nay quất trồng trên bình tạo hình con giáp đã được khách đặt mua nhiều.
Ngoài quất bonsai trồng trong các bình cảnh gốm, năm nay quất cảnh còn được sáng tạo bằng cách trồng trong các chai thủy tinh, các ống tre. Theo chủ các vườn quất bonsai, những mẫu mới này đã được thanh niên lựa chọn nhiều bởi độ “độc, lạ”.
Anh nông dân đón Tết hơn 3 tỷ đồng nhờ vườn cam đường canh
Ngồi ngắm vườn cam đường canh rộng mênh mông trước nhà, anh Bùi Đức Long ở thôn Phú Giang, xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho hay vài ngày nữa toàn vườn sẽ cho thu khoảng 100 tấn. Với mức giá hiện tại, sau khi trừ hết chi phí, anh dự kiến đút túi khoảng 1,7 tỷ đồng.
Anh Long cho biết, 2018 là năm thứ 15 anh trồng cây cam trên vùng đất Lục Ngạn. Sau khi đi bộ đội về, anh kinh doanh buôn bán ngoài phố. Thế nhưng, vì yêu thích ruộng vườn, thích trồng cây cối lại ham thích với những cái mới nên anh quyết định bỏ nghiệp kinh doanh về đây mua đất trồng cam.
Đam mê làm vườn, anh Long quyết định chọn cây cam đường Canh bởi cây cho năng suất cao mặc dù khó trồng
Theo anh, mặc dù cam Canh là cây khó trồng, nhiều sâu bệnh, nhưng chúng cũng là loại cây ăn quả cho năng suất cao, đặc biệt, quả nhìn bóng đẹp, ăn ngọt mát,... nên đầu ra khá tốt.
Mỗi năm, cam cho thu hoạch một lần, thu được bao nhiêu tiền lãi anh lại đầu tư mở rộng diện tích. Từ vườn cam đầu tiên, anh mở rộng sang vườn thứ 2 và hiện là vườn thứ 3 với tổng diện tích 5ha.
“Nói vậy thôi chứ trồng loại cam này không dễ. Chúng lắm sâu bệnh, chăm sóc cũng khó. Ví như, cây năm nay sai quả thì năm sau rất khó cho quả, rồi thì làm sao cho quả ngọt, khi nào bón phân, trồng cây đến năm thứ mấy thì bắt đầu để chúng ra quả,... ”. Xòe tay đưa hai quả cam đường Canh vừa cắt trên cây xuống cho chúng tôi xem, anh cho hay cam Canh phải trồng 2 năm, đến năm thứ 3 mới bói quả. Khi ấy, cây đã to khỏe, đủ lực để cho ra quả ngon nhất.
“Nói về cách trồng và chăm sóc thì khá phức tạp, nhưng với diện tích này tôi chỉ cần khoảng 10 nhân công. Bởi, toàn vườn tôi đã làm hệ thống tưới tự động, lao động chỉ việc cắt tỉa cành, thu hoạch quả và bón phân”, anh nói. Còn riêng quá trình chăm sóc thì phải chú ý tới chế độ dinh dưỡng, bón phân chuồng, phân vi sinh vào tháng 6 dương lịch, đến tháng 8 thì dừng.
Ngoài ra, đến lúc cây cam tắt hoa vào quả nhỏ thì cũng phải dùng tiện tiện một vòng tròn quanh gốc để cây không bật lộc mới, tập trung dinh dưỡng nuôi quả", anh Long nói.
Vừa làm vừa tìm hiểu học hỏi từ sách vở, giờ cam trong vườn nhà anh luôn sai trĩu quả, lại ngọt đậm nhiều nước nên dân buôn rất chuộng.
Tuy nhiên, theo anh Long, năm nay cam canh được mùa, nhiều nơi trồng nên giá có giảm so với các năm trước. Thế nên, với diện tích 5ha cam, sản lượng dự kiến đạt khoảng 100 tấn này thì anh chỉ thu được khoảng 3,2 tỷ. Trừ hết chi phí đi anh lãi khoảng 1,7 tỷ đồng.