Theo kế hoạch mới mà Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia Thái Lan đã công bố, Chính phủ nước này sẽ bán ra 11,4 triệu tấn gạo tồn kho trong 2 tháng 5 và 6. Việc đấu thầu dự kiến bắt đầu từ tuần này, với mỗi lô đấu thầu là 1 triệu tấn gạo.
Nếu kế hoạch xả hàng gạo tồn kho này được thực hiện thành công, thì đây sẽ là đợt bán gạo ra thị trường thế giới lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Thái Lan, lớn hơn cả lượng gạo xuất khẩu bình quân hàng năm trước đây. Trong nhiều năm qua, lượng gạo xuất khẩu bình quân mỗi năm của Thái Lan đạt trung bình 10 triệu tấn.
Dù vậy, việc Thái Lan xả hàng 11,4 triệu tấn gạo tồn kho có ảnh hưởng gì tới xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2016? Đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm không chỉ vì lượng gạo được bán ra quá lớn, mà trước đây gạo Việt Nam đã từng khốn đốn khi Thái Lan xả gạo tồn kho.
Theo nhận định của một số doanh nhân ngành gạo, trong đợt xả ồ ạt gạo tồn kho lần này, nếu đúng như công bố của Bộ Thương mại Thái Lan về chất lượng gạo tồn kho từ chương trình thế chấp, thì sẽ không mấy ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng, bởi đa phần là gạo chất lượng thấp và không đủ chất lượng làm lương thực cho người.
Gạo Việt Nam xuất khẩu không lo ảnh hưởng bởi Thái Lan. |
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gentraco (Cần Thơ) cho biết số gạo nói trên có đến hơn 80% sản lượng bán ra để phục vụ cho công nghệ thực phẩm, công nghệ chế biến, số còn lại là gạo nguyên liệu với số lượng rất ít nên không đáng lo ngại về việc cạnh tranh với các sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo Trung An, Thành phố Cần Thơ nếu Thái Lan tung gạo ra bán trên thị trường với sản lượng lớn như vậy thì ít nhiều có ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng gì đến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
"Mặt khác, trước tình hình hạn hán ở nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam thì nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới trong năm nay và những năm tới sẽ tiếp tục tăng do nhiều quốc gia bị mất mùa, giảm sản lượng. Khả năng Việt Nam năm nay sẽ xuất khẩu đạt 7 triệu tấn gạo là hoàn toàn khả thi" ông Phạm Thái Bình nhận định.
Cũng theo ông Bình, từ đầu năm đến nay tình hình xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Trung An khá thuận lợi, giá xuất tương đối tốt, bình quân từ 375 USD/tấn đối với gạo 5% tấm loại thường đến 500 USD/tấn đối với gạo Jasmine. Từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã xuất trên 40.000 tấn chủ yếu ở các thị trường như Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi...
Theo các doanh nghiệp, để giữ vững thị trường xuất khẩu gạo truyền thống trong các nước khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường để giữ được thị phần ở các thị trường quan trọng này.
Sau một thời gian tăng mạnh, giá thu mua lúa gạo trong vùng hiện nay đã chững lại, giá thu mua lúa các loại đã giảm trên dưới 200 đ/kg so với 2 tuần trước. Hiện giá lúa khô giống IR 50404 được thương lái thu mua có giá từ 5.450 đến 5.500 đ/kg, giá lúa tươi giống IR 50404 được thương lái đặt cọc mua trong vụ Hè thu tới là từ 4.400 đến 4.500 đ/kg, giảm 200 đ/kg so với 10 ngày trước đây tuy nhiên lại tăng cao hơn cùng kỳ từ 400-500 đ/kg.
Theo ông Phạm Công Điền, thương lái thu mua lúa gạo ở phường Thới Long quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết giá lúa giảm là do giá bán gạo cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu giảm vì thị trường xuất khẩu gạo hiện nay đang trầm lắng.
Hiện nay chưa đến thời điểm thu hoạch vụ lúa Hè Thu nhưng vẫn phải đi tìm và đặt cọc mua lúa trước của nông dân tại các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và Cần Thơ.
Việc đặt cọc mua trước lúa của nông dân cũng là việc làm mạo hiểm vì khi đến thời điểm thu hoạch, giá lúa sụt giảm thì thương lái sẽ thua lỗ, có khi giá lúa thời điểm thu hoạch tăng cao thì một số nông dân bẻ kèo bán cho thương lái khác...
Việc giá lúa tăng giảm bất thường hiện nay thì không thể lường trước được