|
Ảnh minh họa |
Nếu như cách đây 2 tuần, dọc đường Lê Văn Lương, đường Phạm Hùng hay các chợ trên địa bàn Hà Nội đều bày bán la liệt thanh long với giá khá rẻ, chỉ từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này, giá thanh long đã tăng trở lại. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở Hà Đông chia sẻ: “Gia đình tôi rất thích ăn quả thanh long, vì thế hầu như tuần nào tôi cũng mua vài kg để ăn. Tuy nhiên, đợt này thanh long tăng giá nhanh quá, vừa mới tuần trước tôi còn mua với giá 10.000 đồng/kg mà hôm nay giá đã tăng lên thành 25.000 đồng/kg, mà hàng lại không được tươi ngon” – chị Hạnh cho hay.
Lý giải nguyên nhân thanh long tăng giá trở lại, anh Nguyễn Tiến Quân - một thương lái chuyên lấy hàng từ Bình Thuận "đổ" cho khách bán buôn và bán lẻ trên đường Lê Văn Lương cho biết: Mùa thanh long bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 (âm lịch) và rộ nhất vào tầm cuối tháng 8. Cách đây 3 tuần là thời điểm chín rộ của các vườn, vì vậy đã đẩy giá cả xuống thấp. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc lại ngừng nhập thanh long từ Việt Nam, nên tồn lại một lượng hàng lớn dẫn đến giá thanh long xuống thấp kỷ lục. Tuy nhiên, thời điểm này các vườn do vừa trải qua vụ thu hoạch rộ, diện tích còn lại chủ yếu là của một số nhà vườn thu hoạch muộn nên nguồn hàng khan hiếm. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu thanh long của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đã bắt đầu nhập trở lại. Vì vậy, thanh long tăng giá trở lại là phù hợp với quy luật của thị trường.
Theo chia sẻ của anh Quân, vì phải nhập hàng xa nên mỗi lần lấy hàng ra Hà Nội, anh thường phải lấy một xe 30 tấn. Nhưng đợt này, nhà vườn khan hàng, anh Quân phải chờ 2 – 3 ngày mới gom đủ một xe. Theo nhận định của anh Quân, phải từ 15 – 20 ngày tới thì nguồn hàng mới dồi dào trở lại và giá cả sẽ hạ nhiệt hơn.
Hiện tại, Việt Nam là nước có sản lượng thanh long đứng đầu châu Á và cũng là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới. Thanh long được trồng rộng rãi ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, trong đó diện tích tập trung lớn nhất là ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… Ở phía Bắc, thanh long bắt đầu được đưa vào trồng ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Nội...