Theo đó, quá trình điều tra, khảo sát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông lâm thủy sản tại 500 hộ kinh doanh, buôn bán ở 2 chợ đầu mối đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) và Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho thấy, đa phần các hộ kinh doanh có xu hướng nhập buôn của các hộ tiểu thương tại các chợ có tính chất chợ đầu mối.
Rau xanh được bày bán tại chợ đầu mối Minh khai |
Cụ thể, sản phẩm thủy sản nước ngọt được các hộ kinh doanh tại 2 chợ này nhập buôn lại từ các hộ kinh doanh tại chợ cá Yên Sở (chợ có tính chất chợ đầu mối). Sản phẩm trái cây, thủy sản biển, các hộ kinh doanh nhập buôn lại của các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên (chợ đầu mối cấp 2).
Trong khi đó, sản phẩm thịt gia cầm, các hộ kinh doanh đa phần nhập ở chợ gia cầm Hà Vĩ (chợ có tính chất chợ đầu mối) và lấy lại của các hộ kinh doanh ở huyện Thanh Oai. Sản phẩm thịt lợn, các hộ kinh doanh phần lớn lấy tại lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), một lượng nhỏ các hộ tự giết mổ nhỏ lẻ tại gia đình.
Tương tự, đối với các loại rau, củ, khoảng 50% có nguồn gốc tại các vùng sản xuất rau của các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thanh Trì, Gia Lâm, Thường Tín... Số còn lại nhập từ các tỉnh Sơn La, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng và nhập khẩu từ nước ngoài.
Kết quả rà soát của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ ra, hai chợ đầu mối là nguồn cung cấp hàng hóa lớn cho các chợ bán lẻ cũng như hệ thống các quán cơm, nhà hàng và người tiêu dùng trực tiếp với nguồn hàng hóa phong phú, nhiều chủng loại.