Làn sóng hạ lãi suất huy động vốn đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng cổ phần lại không những chẳng điều chỉnh giảm theo mà còn liên tục nâng mức lãi suất huy động để hút khách gửi tiền, đẩy mức lãi cao nhất thị trường lên đến 8,38%/năm, khiến cho kỳ vọng giảm lãi vay trở nên mờ nhạt hơn.
Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, khi các ngân hàng thương mại lại thông báo hạ lãi cho vay hoặc tung ra các chương trình cho vay ưu đãi.
Bất ngờ nhất, HDBank vừa thông báo sẽ giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng. Theo đó khách hàng cá nhân vay mới, nhà băng này giảm lãi từ mức tối đa 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm. Khách hàng doanh nghiệp vay ngắn hạn lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, trung và dài hạn cố định năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm. Ngân hàng này cho biết dành hẳn 18.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay với lãi suất này.
Lý do hạ lãi suất, theo đại diện ngân hàng, là để giúp doanh nghiệp bổ sung kịp thời nguồn vốn lưu động cũng như nguồn vốn trung dài hạn phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh.
Trước đó, ngân hàng VIB cũng công bố áp dụng lãi suất cho vay chỉ từ 6,99%/năm cho các khoản vay có thời hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên chương trình chỉ áp dụng từ nay đến cuối năm 2016.
Theo TS. Bùi Quang Tín, lý do các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất là bởi họ phải theo xu hướng của các ngân hàng thương mại nhà nước. Khi nhóm “big 4” hạ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 0,3 – 0,5% là họ đã có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay của nhóm này vốn dĩ đã thấp hơn các ngân hàng cổ phần. Nếu các ngân hàng cổ phần không đi theo bằng cách giảm lãi suất cho vay thì sẽ mất khách hàng.
Hơn nữa, TS. Tín phân tích, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng các kỳ hạn dưới 3 tháng hiện rất rẻ, bằng một phần nhỏ của thị trường 1, nên khi cần vốn rẻ để cho thị trường 1 thì họ vẫn có thể vay thêm từ thị trường 2. Do vậy các ngân hàng cổ phần không có vốn Nhà nước vẫn có đủ nguồn để cân đối thêm và cho vay với lãi suất rẻ hơn. Khi đến thời gian đáo hạn trên thị trường 2 thì cũng là thời điểm sắp sang năm mới, nhu cầu vốn lúc đó sẽ giảm và lãi suất trên thị trường 1 có thể điều chỉnh hạ để trả, hoặc gia hạn thị trường 2.
Một lý do nữa khiến các ngân hàng có thể giảm lãi suất đó là vốn của họ hiện nay còn dư thừa, nên thay vì đi gửi trên thị trường 2 hoặc mua tín phiếu NHNN với lãi suất chỉ bằng lãi suất qua đêm của thị trường 2 thì ngân hàng sẽ chọn cho vay thị trường 1 với lãi suất hạ hơn đôi chút thì còn lợi hơn nhiều.
Đồng quan điểm này, giám đốc một ngân hàng thương mại Nhà nước cũng chia sẻ rằng, việc giảm lãi suất cho vay sẽ không chỉ đến từ một hai ngân hàng mà sắp tới sẽ là xu hướng chung, dù mức giảm không nhiều. Bởi lẽ các ngân hàng cuối cùng cũng nhận ra rằng, trong bối cảnh dư thừa vốn nếu không cho vay thì nắm phần lỗ chắc chắn trong tay, vì thế hạ lãi suất để hút khách vay mà thu lãi ít còn hơn không thu được đồng nào.