Trong khi đó, những quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Singapore, Hungary, Úc, Đan Mạch, tốc độ mạng di động trung bình cao gấp hơn 10 lần, dao động từ 41,34 Mbps - 23,35 Mbps. Quốc gia đứng áp chót danh sách trên là Afganistan cũng chỉ thấp hơn Việt Nam không đáng kể, đạt 2,17 Mbps.
Lý do vì sao?
Các DN chỉ quan tâm tốc độ download chứ chưa nghĩ tới upload
Tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 diễn ra sáng 18/8, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (4T) cũng thừa nhận về tốc độ mạng di động của Việt Nam còn kém.
Tuy nhiên, theo Nguyên Thứ trưởng, thực chất, công nghệ 3G của Việt Nam không phải là kém mà chỉ chưa phù hợp trong cách triển khai. Bởi đúng ra, các nhà mạng cần quan tâm tới 3 nội dung chính: vùng phủ sóng, tốc độ và giá cước.
Về tốc độ, khi triển khai 3G trước đây, các đơn vị quan tâm đến tốc độ download (phần xuống), nhưng bây giờ khi mạng xã hội có nhu cầu cập nhật thông tin nhanh và nhiều thì tải lên (phần lên) cũng phải được bảo đảm về tốc độ. Điều này cũng cần được áp dụng khi triển khai 4G.
Thứ 2 là vùng phủ sóng. Ở Việt Nam, doanh nghiệp viễn thông nào cũng tuyên bố đã phủ sóng 95%, nhưng con số 95% ấy không gắn với tốc độ. Tức là số lượng trạm còn ít, chỉ cần đi xa khỏi trạm phát sóng là tốc độ đã không đạt yêu cầu.
"Vì thế, tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là tốc độ phải gắn với vùng phủ sóng. Theo đó, trong vùng phủ sóng nào thì tốc độ đạt được 2 MB hay tốc độ tương ứng chứ đừng nói tốc độ một cách chung chung", Nguyên Thứ trưởng cho hay.
Ông Thắng nhấn mạnh, khi triển khai 4G, băng tần đều phải cao chứ không như 3G hay 2G, đặc biệt yêu cầu về phủ sóng trong nhà (in door) rất quan trọng, vì người Việt Nam chủ yếu sử dụng điện thoại trong nhà.
Nói về giá cước 4G trong lần triển khai sắp tới, Nguyên Thứ trưởng cho rằng không nên phân biệt giữa data hay voice. Lý do là với 4G, thoại sẽ ngày ít đi, data tăng lên và chiếm chủ yếu, không như 2G và 3G. Theo đó, có thể tính cước đối với data còn miễn phí đối với voice ở mức sử dụng nhất định.
3G chỉ đạt tốc độ tối đa về mặt lý thuyết
Trong một bài phỏng vấn, ông Nguyễn Tiến Anh Tuấn, Giám đốc Công ty HTC Viễn thông Quốc tế cũng từng lý giải về tốc độ mạng 3G Việt Nam không ổn định.
Theo ông Anh Tuấn, về mặt lý thuyết, 3G có tốc độ tối đa có thể đạt được từ một thuê bao với điều kiện toàn bộ thuê bao đó kết nối với 1 BTS và BTS đó được kết nối thông suốt toàn tuyến cho một mình thuê bao.
Nhưng thực tế, người dùng Internet bao giờ cũng phải chia sẻ lẫn băng thông của nhau. Vì thế, tốc độ bình quân sẽ tăng, giảm tùy theo mật độ người truy cập vào 3G, tại cùng một thời điểm và khu vực địa lý.
Việt Nam triển khai 4G chậm nhất thế giới
Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực, thị trường và doanh nghiệp viễn thông sẽ quyết định quá trình triển khai mạng 4G LTE nhanh hay chậm chứ không phải cơ quan quản lý.
Hiện đã có 500 nhà mạng trên thế giới cung cấp dịch vụ mạng 4G và việc triển khai mạng 4G ở Việt Nam là chậm so với thế giới. Vì vậy, tốc độ băng rộng di động Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp nhất thế giới theo đánh giá của OpenSignal là do Việt Nam chưa triển khai mạng 4G.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực, việc Việt Nam triển khai chậm mạng 4G có cái lợi là có thể tạo điều kiện giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mức cước rẻ hơn.
Làm 4G cần bao nhiêu giấy phép là đủ: 3; 4 hay 5?
Ngoài vấn đề về tốc độ di động ở Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Thắng cho rằng, việc cấp bao nhiêu giấy phép 4G cho đủ vẫn đang là vấn đề còn tranh cãi.
Giấy phép nhiều quá sẽ dẫn đến cạnh tranh quá mức, nhất là doanh nghiệp viễn thông phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước, và công ty cổ phần có vốn Nhà nước. Xét cho cùng thì thị trường Việt Nam chưa có sự cạnh tranh đầy đủ vì bản chất vẫn là doanh nghiệp Nhà nước.
Các nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn tại sao các doanh nghiệp Nhà nước cũng là một ông chủ lại cạnh tranh với nhau?
Đáng ra đây phải là cạnh tranh giữa các ông chủ khác nhau, do vậy việc cấp nhiều giấy phép 4G sẽ dẫn đến sự cạnh tranh quá mức. Nhưng nếu cấp phép ít quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và giá cước, cuối cùng là ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trên thế giới, thông thường các nước có 3-5 nhà khai thác di động. Ở Việt Nam hiện có 3 DN lớn là Viettel, MobiFone, VinaPhone, và hai DN nhỏ hơn là Gtel và Vietnam Mobile. Do vậy, số lượng và quy mô của thị trường Việt Nam hiện nay là phù hợp.
Tuy nhiên, bản chất thị trường Việt Nam cho đến thời điểm này, mặc dù đã triển khai thị trường di động Việt Nam được hơn 20 năm, thị trường lúc đầu chỉ có VinaPhone và Mobifone, nhưng sau khi Viettel tham gia thị trường thì bức tranh của thị trường thay đổi hẳn: cạnh tranh quyết liệt hơn, giá cước giảm nhanh hơn, công nghệ mới được áp dụng nhanh hơn.
Tuy nhiên đã hơn 10 năm kể từ khi Viettel tham gia thị trường, chưa có một doanh nghiệp lớn nào tham gia vào thị trường. Do đó, cần phải tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp mới vào để thay đổi bức tranh thị trường giống như khi Viettel tham gia thị trường.