Chấp nhận lãi cao để mua vàng đút két
Nhớ đến những tháng ngày phải tích cóp từng đồng để trả lãi, chị Phạm Phương Trang (29 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi xót xa. Công việc của hai vợ chồng ổn định, lương tháng cộng lại gần 30 triệu đồng nhưng tiền làm ra cứ như không cánh mà bay.
Cưới nhau 3 năm mà vợ chồng chị không để ra được đồng nào. Thấy cách chi tiêu của mình không ổn, chị Trang bèn bàn với chồng lập kế hoạch chi tiêu cho hợp lý hơn và nuôi lợn đất tiết kiệm.
Ảnh minh họa
Chị Trang kể: “Đầu tiên, chúng tôi lên kế hoạch mỗi tháng bỏ vào lợn 10 triệu đồng nhưng cũng chỉ được có hai tháng. Khi có việc quan trọng, con lợn lại bị “mổ bụng” và quăng vào thùng rác. Sau đó chúng tôi lại nuôi con lợn đất khác và cũng chỉ duy trì được 3 tháng. Kế hoạch thất bại, chúng tôi nghĩ tới cách mua két sắt về cho tiền vào khóa lại. Nhưng cũng chỉ đươc một thời gian vì cứ bí lại mở khóa lấy tiền…”.
Mọi kế hoạch giữ tiền đều thất bại, anh chị vắt óc suy nghĩ và cuối cùng cũng “sáng tạo” ra cách đi vay tiền sau đó mua vàng coi như của để dành, kể cả phải trả lãi suất cao. “Nghĩ là làm, năm đầu, chúng tôi vay tiền của bố mẹ hai bên mua được 4 cây vàng. Trong năm đó, chúng tôi làm được bao nhiêu thì trả nợ hết. Nếu có việc đột xuất thì về vay tiền bố mẹ để tiêu tạm.
Cuối năm, vợ chồng tôi sung sướng khi 4 cây vàng vẫn còn nguyên trong két. Vì thế, năm nay vợ chồng tôi bàn với nhau vay lãi 120 triệu đồng từ họ hàng để tiếp tục mua vàng cất. Sau đó, hàng tháng sẽ để ra một khoản để trả lãi và một phần gốc. Để vàng trong nhà còn giữ được chứ để tiền thì sẽ tiêu mất ngay”, chị Trang khoe.
Mặc dù đã có gần chục cây vàng trong két nhưng vợ chồng chị Trang vẫn chưa cảm thấy tự tin. Tuy nhiên, cũng từ đây, mọi rắc rối bắt đầu xảy ra. Vợ chồng con cái ốm đau, đi viện, không sẵn tiền trong nhà lại chẳng muốn vay bố mẹ nên chị Trang đi vay lãi tính theo ngày của “dân xã hội”.
Tiền nọ dồn tiền kia, cuối cùng số tiền đi vay nặng lãi ngày một nhiều. Thế rồi công ty chị Trang bị người nước ngoài mua lại, họ tinh giản bớt nhân viên. Chị Trang bỗng dưng trở thành người thất nghiệp!
Vàng mắt vì...vàng
“Khi tôi mất việc, tiền sinh hoạt và tiền trả nợ đè nặng lên vai chồng. Những khoản nợ tín dụng đen chồng chất cũng đến kỳ phải trả, tôi đành phải đem bán hết số vàng tích lũy được để trả nợ mặc dù giá vàng xuống thấp, lỗ nặng. Quả thực, vàng chưa thấy đâu mà đã thấy vàng…mắt rồi. Thế là nghèo vẫn hoàn nghèo, tay trắng vẫn hoàn trắng tay”, chị Trang tâm sự.
Không chỉ riêng vợ chồng chị Trang, nhiều gia đình trẻ cũng nghĩ ra cách vay lãi lấy tiền mua vàng về đút két phòng thân. Họ coi đó là một cách để tạo áp lực tiết kiệm để có của để dành.
Thấy cô bạn rỉ tai về cách tiết kiệm tiền của mình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng áp dụng theo. Bởi ngày cưới, anh chị phải lo mọi thứ nên vẫn còn nợ bạn bè một ít tiền.
Anh chị đã phải ăn uống kham khổ, không dám sắm sửa gì để tiết kiệm trả nợ. Nhưng dù có nai lưng ra làm vẫn không để dành được đồng nào. Từ cách tiết kiệm ăn cơm nắm muối vừng không đạt hiệu quả, anh chị bàn nhau sẽ thực hiện theo cách của cô bạn thân.
Năm đầu tiên, anh chị vay lãi 100 triệu đồng để “đánh” lấy 3 cây vàng cất tủ. “Tổng thu nhập cả tháng hai vợ chồng tôi được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tính ra, mỗi tháng chúng tôi phải chi 10 triệu đồng để trả nợ. Số tiền lương 5 triệu đồng còn lại để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình.
Chồng tôi còn tuyên bố sẽ đi làm ngoài giờ để kiếm thêm. Thấy chúng tôi vay lãi mua vàng, nhiều người khuyên ngăn, có người còn nói chúng tôi bị hâm mới làm như vậy. Tích cóp được bao nhiêu thì hãy mua, ai lại đi vay nặng lãi để mua vàng cất két. Tự nhiên mua nợ, mua gánh lo vào người”, chị Mai cho biết.
Theo chị Mai, vay lãi mua vàng cất tủ, mấy tháng đầu, họ cũng để dành ra được 10 triệu đồng trả nợ. Nhưng nhiều khi, con cái bị ốm đau hoặc hiếu hỉ quá nhiều, anh chị phải đi chạy vạy đi vay tiền.
Cuối tháng, hết tiền, vợ chồng chị Mai chỉ mua thịt về con ăn còn hai vợ chồng ăn muối vừng, rau qua ngày. “Cuối cùng không trụ được, chúng tôi phải bán vàng trả vợ. Cái vòng luẩn quẩn mua vàng cất két đã khiến gia đình tôi khổ sở và vẫn không thể để dành được tiền”, chị Mai thổ lộ.
Từ những kế hoạch tưởng chừng như có một không hai và vô cùng hoàn hảo của mình để tiết kiệm tiền, nhiều cặp vợ chồng đã lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Về vấn đề này, trao đổi với PV báo ĐS&PL, chuyên gia tâm lý Đậu Xuân Thoan, Phó Giám đốc trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý (hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) cho rằng:
“Tâm lý chung của người Việt là lúc nào cũng muốn có của ăn của để trong nhà. Hơn nữa, xã hội bây giờ họ luôn muốn được khoe của, muốn đeo vàng trên người hoặc trong nhà có vàng để cho oai. Vì thế, họ mới “sáng tạo” ra những phương pháp tiết kiệm khác người như vậy. Việc tiết kiệm là rất tốt nhưng chẳng ai vay nặng lãi để mua vàng cất két và coi đó là cách giữ tiền cả.
Qua vấn đề này cũng cho thấy, người Việt có tính a dua, thấy người khác làm cũng làm theo mà chẳng có nghiên cứu tính toán gì cả. Làm như thế chẳng khác nào mua nợ vào người”.