Danh sách ngàn tỷ
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2017 rất ấn tượng như là dấu ấn cuối cùng của ông Nguyễn Đức Hưởng tại LienVietPostBank trước khi doanh nhân này rời vị trí lãnh đạo NH này.
Theo báo cáo, LienVietPostBank có tốc độ tăng lợi nhuận quý 1 (so với cùng kỳ năm trước) lên tới gần 80% lên gần 470 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của LienVietPostBank đạt gần 1,3 ngàn tỷ đồng, cũng tăng tới 70%.
Lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh trong quý 1 2017. |
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của LienVietPostBank có thể nói là hiếm thấy trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, quý 1 năm nay, không phải chỉ có LienVietPostBank mới ghi nhận kết quả kinh doanh tốt như vậy.
Techcombank chứng kiến lợi nhuận trước thuế quý 1 tăng 120% so với cùng kỳ lên hơn 1,3 ngàn tỷ đồng cũng nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh. VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 85% lên hơn 1,9 ngàn tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 4,8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 45%. MBBank có lợi nhuận trước thuế tăng 22% lên trên ngàn tỷ đồng, còn VIB cũng ghi nhận mức tăng 11% so với cùng kỳ.
Nhóm NHTMCP có nguồn gốc quốc doanh có lợi nhuận tuyệt đối ở mức rất cao và có tốc độ tăng trưởng cũng khá ấn tượng.
Vietcombank đứng đầu danh sách với hơn 2,7 ngàn tỷ đồng lợi nhuận, tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận cao kỷ lục của NH này. Nó giúp Vietcombank tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu. BIDV có lợi nhuận trước thuế gần 2,3 ngàn tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong khi đó, Vietinbank cũng không kém, ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 2,5 ngàn tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Sacombank trong khi đó là NH tư nhân có kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế tăng hơn gấp rưỡi so với cùng kỳ lên gần 310 tỷ đồng nhờ tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dự phòng. Eximbank thậm chí ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 5 lần lên 170 tỷ đồng.
Như vậy, các NHTMCP có nguồn gốc quốc doanh tiếp tục có kết quả kinh doanh vượt trội về con số tuyệt đối. Trong khi đó, một số NH đang bật lên như ACB, MBBank, Techcombank. Và một số NH đang lấy lại vị thế của mình như Sacombank, Eximbank.
Tăng tốc sau thời trì trệ
Chưa kể tới sự tăng trưởng mạnh về mảng dịch vụ trong thời buổi công nghệ số, NH số đang phát triển dữ dội, nhiều tổ chức tín dụng đang có cơ hội tăng trưởng bứt phá nhờ vào tốc độ tín dụng tăng cao, trong khi chi phí đang được giảm nhờ gánh nặng trích lập nợ xấu đã vơi đi rất nhiều.
Cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ cột trên TTCK. |
Cho tới thời điểm hiện tại, đã có gần NH có thu nhập lãi thuần quý 1 trên ngàn tỷ đồng, trong đó có tới 5 NH ghi nhận trên 2 ngàn tỷ đồng. Có 6 NH có lợi nhuận trước thuế trên ngàn tỷ đồng, trong đó 3 NH có lợi nhuận trên 2 ngàn tỷ đồng.
Về kế hoạch, 6 NH đặt mục tiêu 4.000-10.000 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm nhưng phần lớn đạt trên 25%. Một số đạt 30% kế hoạch.
SHB là một NH có lợi nhuận trước thuế chỉ tăng gần 14% nhưng vẫn tin tưởng lợi nhuận 2017 tăng 1,5 lần so với 2016.
Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận 9,2 ngàn tỷ đồng (tăng 8%) và trong quý 1 đã đạt gần 30% kế hoạch. BIDV cũng hoàn thành ở mức gần tương tự.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông, lãnh đạo của phần lớn các NH đều tin tưởng vào khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017 với kỳ vọng lợi nhuận gia tăng nhờ dịch vụ tài chính và phi tài chính.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý cho rằng, phần lớn các NH, trong đó các NH lớn có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ vào tăng trưởng tín dụng. Thu nhập lãi thuần tăng mạnh tại nhiều NH trong quý 1 cho thấy điều này.
Báo cáo mới nhất cho thấy, tín dụng 4 tháng đầu năm đạt gần 4,9%, cao nhất trong 6 năm gần đây. Áp lực nợ xấu giảm cũng góp phần giúp các NH có lợi nhuận cao hơn. Triển vọng lợi nhuận NH 2017 được đánh giá là khả quan, tốt hơn nhiều so với nửa thập kỷ trước đó. Cổ phiếu NH gần đây tăng đột phá ở cả thị trường niêm yết và tự do và là trụ cột cho các thị trường, hứa hẹn là mỏ vàng cho giới đầu tư chứng khoán trong năm 2017.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn lo ngại về khoản nợ xấu gia tăng ở một số NH đang đẩy mạnh mảng bán lẻ và cách tính nợ xấu chưa thực sự theo chuẩn quốc tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề khó khăn mà các NH tiếp tục phải đối mặt vẫn là nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Gần đây, TS. Hiếu cho rằng, ngay cả mảng bán lẻ vốn được coi là hấp dẫn giờ đây cũng không hoàn toàn như vậy. Một số NH, trong đó có NH nước ngoài đã phải rút khỏi mảng này.