Chưa tìm được tiếng nói chung
Thực tế hành trình đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp cho thấy, đường đến siêu thị và các chuỗi bán lẻ không hề dễ dàng.
Thông quan kết nối giao thương sản phẩm tỏi đen Quảng Ngãi giới thiệu đến người tiêu dùng tại Hội chợ nông sản du lịch do HPA tổ chức tại huyện Đông Anh. Ảnh: Hoài Nam
Theo Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food Mai Thị Ý Nhi , sản phẩm bánh dừa của đơn vị đã được TP Đà Nẵng công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao nhưng hiện rất khó đưa hàng vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ. “Cái chính là ở bộ phận nhân sự thu mua rất “chảnh”, gọi điện thoại hàng chục lần không bốc máy, khi vất vả gặp được thì một thời gian sau liên lạc lại không có phản hồi, khiến cho doanh nghiệp nản lòng”, bà Nhi chia sẻ.
Đồng tình với phản ánh này, Tổng Giám đốc Công ty CP Hoa Lan Nguyễn Thị Đông cho hay sản phẩm của doanh nghiệp đã được xuất khẩu ra thế giới, tuy nhiên với thị trường nội địa mới chỉ hiện diện tại hệ thống siêu thị Winmart. Còn các siêu thị khác vẫn đang trong quá trình đàm phán để đưa sản phẩm vào tiêu thụ. “Để đưa hàng vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ ngoài chiết khấu, doanh nghiệp còn mất thêm chi phí về đóng gói, quà tặng sinh nhật, hỗ trợ bán hàng, chạy khuyến mãi… nên doanh nghiệp không có lãi”-bà Đông thông tin.
Ở chiều ngược lại doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, mặc dù doanh nghiệp sản xuất muốn đưa sản phẩm tốt vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ nhưng số lượng không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng, tính an toàn nên đơn vị bán lẻ ngại kết nối, ký hợp đồng tiêu thụ.
Thông quan kết nối giao thương sản phẩm nông sản của các tỉnh thành được đưa vào hệ thống siêu thị Big C tiêu thụ. Ảnh: Hoài Nam
Phân tích nguyên nhân khiến doanh nghiệp sản xuất gặp khó trong hoạt động giao thương với đơn vị bán lẻ, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết: Thực tế hoạt động giao thương kết nối tiêu thụ sản phẩm thời gian qua cho thấy giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà bán lẻ chưa tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng, trong khi đó nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã.
Cần thêm vai trò kết nối
Theo các chuyên gia kinh tế để đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ đòi hỏi sự nỗ lực cả 2 phía sản xuất và phân phối trong việc kết nối giao thương, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Thông quan kết nối giao thương sản phẩm nông sản OCOP của các tỉnh thành được đưa vào trung tâm thương mại AEON. Ảnh: Hoài Nam
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, hiện nay, cả nhà sản xuất và nhà phân phối đều có những điểm yếu nhất định. Cụ thể, nhà phân phối không nắm vững được thực tế ở các vùng miền để kết nối thu mua trực tiếp, cắt giảm chi phí trung gian. Về phía nhà sản xuất, hiện vẫn gặp vướng mắc ở khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Chính vì vậy, tổ chức kết nối tiêu thụ là một việc cấp bách, nhưng để làm được việc này bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp cần thêm vai trò kết nối, dẫn dắt từ các cơ quan quản lý.
Thông quan kết nối giao thương sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) tiêu thụ tại Công ty thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thị trường tại các kênh bán lẻ, đồng thời có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa, từ đó đơn vị sản xuất đưa ra sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, năm 2022 đơn vị đã tổ chức 172 chương trình xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành, đối tác nước ngoài. Đến nay, HPA đã trở thành một trong những đầu mối kết nối giao thương hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường trong nước và quốc tế …
Doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị Kết nối giao thương cho Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Từ thực tế chọn lựa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ, Trưởng điều hành Vùng miền Bắc – Công ty MM Mega Market Việt Nam, Nguyễn Anh Phương và các doanh nghiệp bán lẻ có chung ý kiến nêu rõ, hiện hầu hết hệ thống bán lẻ hiện đại có một lượng khách hàng chuyên nghiệp là các khách sạn, nhà hàng luôn quan tâm việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến vùng trồng,vùng nuôi.
“Doanh nghiệp bán lẻ ưu tiến ký kết hợp tác dài hạn với những đơn vị ung ứng sản phẩm mang tính bền vững, mẫu mã đa dạng. Hoạt động này tạo cơ sở để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã, nhà phân phối, bán lẻ cũng có thể yên tâm nhập hàng,lên kế hoạch quảng bá tốt hơn cho sản phẩm, tạo thành chuỗi cung ứng bền vững, tránh sự đứt gãy, gián đoạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp hàng hóa ra thị trường”-ông Phương khẳng định.