Nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức và trải nghiệm thực tế về các mô hình và thực hành xuất sắc liên quan đến tài chính, kinh tế tuần hoàn, và kinh tế xanh - bền vững, ngày 21/10 vừa qua, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp thực hiện chuỗi hoạt động thăm quan, trải nghiệm mang tên gọi: “Tour trải nghiệm xanh”.
Theo đó, “Tour trải nghiệm xanh” được tổ chức với mong muốn thể hiện cam kết, đồng hành và thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tái chế trong cộng đồng và doanh nghiệp, mà Hội DN HVNCLC đang hướng đến, và đã thực hiện nhiều hoạt động trong thời gian gần đây.
Theo Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, bên cạnh việc hiểu và thực hiện những tiêu chuẩn mới cuả nền kinh tế chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn thì các doanh nghiệp cũng đang đầu tư làm truyền thông rất nhiều cho kinh tế xanh
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, “Tour trải nghiệm xanh” không chỉ giới thiệu các mô hình kinh tế xanh, mà còn thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và cộng đồng. Từ đó, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc tạo ra cơ hội học hỏi và cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống.
“Tour trải nghiệm xanh mong muốn cung cấp cho các cơ quan truyền thông, người tiêu dùng, nhà đầu tư, các đối tác, khách hàng và những người có mối quan tâm về kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững những thông tin, hình ảnh thực tế nhất tại các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương về các mô hình hay, sáng tạo, cùng cách làm hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài trải nghiệm, nắm bắt thông tin, chương trình cũng kỳ vọng mang đến cơ hội để xây dựng mạng lưới với những người có cùng quan tâm và tinh thần đổi mới trong lĩnh vực kinh tế xanh” - bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
Ông Phan Minh Tiến – CEO Vietnipa cho biết, dừa nước trồng 3-5 năm có thể khai thác được mật trong thời gian kéo dài đến 50 năm. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo nên "cỗ máy" hấp thụ C02 tự nhiên, góp phần giúp bảo vệ môi trường
Điểm đến đầu tiên trong hành trình “Tour trải nghiệm xanh” là Công ty sản xuất mật dừa nước Việt Nam (Vietnipa) tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những doanh nghiệp được đánh giá mẫu mực về sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững để sản xuất mật dừa, và đóng góp vào nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.
Tại đây, ông Phan Minh Tiến – CEO Vietnipa cho biết, từ việc nhận thấy tiềm năng vô cùng to lớn từ cây dừa nước và mong muốn tận dụng có hiệu quả tài nguyên bản địa, công ty đã liên kết với hơn 10 hộ nông dân trên địa bàn trồng và thu hoach hơn 10ha dừa nước, đạt chuẩn hữu cơ.
Từ mật dừa nước, Vietnipa đã nghiên cứu và phát triển thành công các sản phẩm đường ăn kiêng hữu cơ, có chỉ số đường huyết thấp để đáp ứng xu hướng sử dụng thực phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Trong tương lai, Vietnipa còn sẽ hướng đến mục tiêu cung cấp giải pháp làm ngọt hữu cơ, an toàn không chỉ cho người tiêu dùng Việt Nam mà còn hướng đến thị trường tiêu thụ chất làm ngọt lớn như Mỹ và EU.
Sau khi thu hoạch dừa nước, cuốn dừa nước còn được tận dụng để thu hoạch mật dừa
“Với mô hình kinh tế xanh và ứng dụng công nghệ cao vào chế biến, Vietnipa đã và đang trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực phát triển giá trị kinh tế từ cây dừa nước, tạo thêm nhiều công việc ổn định cho bà con nông dân, mang lại sản phẩm có chất lượng cao cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven sông không chỉ của huyện Cần Giờ - “lá phổi xanh” của TP Hồ Chí Minh, mà còn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” - ông Phan Minh Tiến nói.
Điểm đến tiếp theo trong hành trình “Tour trải nghiệm xanh” là Công ty Yến Đảo Cần Giờ (tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh). Theo đó, Công ty Yến Đảo Cần Giờ được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy các giải pháp kinh tế xanh và bền vững liên quan đến sản xuất và thương mại của sản phẩm yến đảo.
Bà Phan Ngọc Diệu - Giám đốc Quản lý nhà máy Công ty Yến Đảo Cần Giờ chia sẻ với đoàn tham quan “Tour trải nghiệm Xanh”
Bà Phan Ngọc Diệu - Giám đốc Quản lý nhà máy Công ty Yến Đảo Cần Giờ cho biết, Cần Giờ - huyện đảo duy nhất của TP Hồ Chí Minh, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của Thế giới, là “lá phổi” xanh, “quả thận” sạch của TP Hồ Chí Minh. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp mắt, mà còn ẩn chứa một kho báu quý giá là “tổ yến”.
Cụ thể, với diện tích rừng ngập mặn ven biển rộng lớn, môi trường trong lành và khí hậu ôn hoà, Cần Giờ cung cấp nguồn thức ăn dồi dào và chất lượng cho chim yến, là nơi thuận tiện cho chim yến xây tổ. Hiện nay, Cần Giờ đang có có hơn 500 nhà nuôi yến, với sản lượng bình quân 11-12 tấn/năm.
“Hiện nay, công ty thu mua yến của người dân để sản xuất, kinh doanh. "Nguồn yến của Cần Giờ là nguồn yến xanh, yến sạch từ rừng sinh quyển nên chất lượng được đảm bảo, được nghiên cứu và kiểm định từ các chuyên gia Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh", bà Diệu nói và cho hay đơn vị cũng kết hợp với du lịch xanh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Đoàn tham quan “Tour trải nghiệm Xanh” trải nghiệm tách lông yến tại Công ty Yến Đảo Cần Giờ
Được biết, Cần Giờ có 18 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP 4 sao. Trong năm 2023, huyện đang gửi thêm 22 sản phẩm để công nhận OCOP, trong đó có sản phẩm về du lịch.
Tạm dừng chân tại huyện Cần Giờ, đầu tháng 11/2023, “Tour trải nghiệm xanh” sẽ tiếp tục hành trình đến thăm và tìm hiểu về điểm phân loại và thu gom rác thải nhựa tại khu du lịch Lata Camping (Long An). Một dự án đối tác giữa Viện Nghiên xứu phát triển TP Hồ Chí Minh và Công ty Duy Tân Recycling, nhằm quản lý rác thải nhựa một cách hiệu quả, đóng góp vào việc giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam phải hành động nhanh, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu.
"Nếu không tô đậm, làm đậm yếu tố xanh thì doanh nghiệp sẽ không cân bằng được giá thành của sản phẩm tiêu chuẩn xanh khi giá sản phẩm tăng do nguyên liệu được sử dụng gần thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, yếu tố bảo vệ môi trường. Do đó, để kinh doanh hiệu quả thì doanh nghiệp cần phải siết chặt quản lý chi phí, chỉ nên tập trung vào một số sản phẩm thiết yếu, quan trọng theo hướng tiêu chuẩn xanh" - Chủ tịch Hội DN HVNCLC Vũ Kim Hạnh |