Đủ khả năng cung ứng 300 tấn rau mỗi ngày
Cánh đồng thôn Đông Cao đang ở vào những ngày tất bật nhất. Nhân thời tiết thuận lợi, bà con nông dân tích cực xuống đồng chăm sóc những luống rau củ, đang ra xanh mơn mởn.
Chị Trần Thị Hường (thôn Đông Cao) cho biết, gia đình gieo trồng 2 mẫu rau màu các loại, chủ yếu là củ cải. Theo chị Hường, thời tiết từ tháng 10/2023 đến nay cơ bản thuận lợi nên rau củ sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Hệ thống tưới tiết kiệm nước cho rau củ trên cánh đồng xã Tráng Việt (huyện Mê Linh).
“Vụ Tết năm 2023, rau củ của bà con trong thôn làm ra không bị dư thừa, giá cả cũng khá tốt. Chúng tôi kỳ vọng vụ Tết 2024 tới đây, rau vẫn được mùa, được giá”…” - chị Hường chia sẻ.
Tại thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) hiện có hơn 300ha sản xuất rau củ, với tổng sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 35.000 tấn/năm. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng đảm bảo, đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao đã có 18 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và 3 sao |
Ở khu đồng thôn Đông Cao cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Biên chăm chú điều chỉnh hệ thống tưới tự động, cung cấp nước cho rau màu. Vụ Tết năm nay, gia đình ông trồng 8 sào rau ăn lá và 3 sào củ cải.
“Cho đến thời điểm này, diện tích rau của gia đình nhìn chung phát triển khá tốt, hứa hẹn cho thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn…” - ông Biên cho hay.
Theo ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt), để phục vụ nhu cầu cho thị trường vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, từ tháng 10/2023, các thành viên của hợp tác xã đã xuống giống gieo trồng nhiều loại rau củ. Trong đó, tập trung chủ yếu là cải chíp, củ cải, su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua…
“Nhìn chung, năm nay thời tiết ủng hộ nên dự kiến sản lượng rau củ đạt cao. Dịp trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới, Hợp tác xã có thể cung cấp từ 300 - 400 tấn rau củ mỗi ngày phục vụ người dân…” - ông Đàm Văn Đua thông tin thêm.
Bảo đảm chất lượng nguồn cung rau củ
Để nâng cao chất lượng rau củ cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận, Hội Nông dân xã Tráng Việt duy trì phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao triển khai mô hình “Cánh đồng sạch”. Mô hình hiện có sự tham gia của hầu hết hội viên nông dân canh tác rau củ trên địa bàn xã.
Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Lê Xuân Thành cho biết, các hộ tham gia đều phải ký cam kết sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục quy định. Thứ 7 hàng tuần, các hộ cùng nhau vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cảnh quan môi trường.
Chăm sóc rau màu trên cánh đồng thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh).
“Chính quyền địa phương yêu cầu các nông hộ duy trì tiêu chuẩn canh tác an toàn và theo hướng VietGAP, hữu cơ đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp chứng nhận để bảo đảm cung ứng cho thị trường những sản phẩm rau củ tốt nhất…” - ông Thành nói thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, vựa rau thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) có diện tích khoảng 300ha, chủ yếu canh tác theo hướng an toàn và VietGAP, hiện đang cung cấp khoảng 20% tổng nhu cầu về rau củ các loại cho thị trường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
“Những năm qua, huyện đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất giữa bà con nông dân với các hợp tác xã, doanh nghiệp, thương nhân. Chính vì vậy, giá cả và nguồn cung rau củ cho thị trường được duy trì ổn định trong suốt cả năm, không xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa…” - ông Khương cho biết thêm.
Để nâng cao chất lượng rau củ, huyện Mê Linh thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân; hướng dẫn bà con sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khoẻ; lấy tiêu chí an toàn là điều kiện tiên quyết trong canh tác nông nghiệp nói chung.