Quản chặt quy trình sản xuất
Thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) là một trong những vùng sản xuất rau an toàn lớn nhất của Hà Nội. Hiện, bà con nông dân nơi đây đang canh tác hơn 200ha rau màu các loại. Thời điểm này, rau ăn lá đang là sản phẩm cung ứng chính cho thị trường.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, thành viên hợp tác xã hàng năm đều được tham gia các lớp tập huấn canh tác, chăm sóc rau an toàn. Đặc biệt là thông tin và khuyến cáo về việc sử dụng các hoạt chất bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Nhờ đó, chất lượng rau xuất bán đi thời gian qua tương đối ổn định.
Nông dân chăm sóc rau màu tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng. |
Cùng với vựa rau thôn Đông Cao, nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng phát triển mạnh những vùng rau an toàn, điển hình như tại các huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thường Tín… Thống kê đến nay, toàn TP đã phát triển được hơn 5.000ha canh tác rau an toàn.
Để bảo đảm an toàn cho rau màu, thời gian qua, Hà Nội đã đưa vào áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng nội bộ (PGS) tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 17 tuận, huyện, thị xã. Tổng diện tích áp dụng quy trình quản lý sản xuất này là trên 1.700ha.
TP cũng khuyến khích các tổ chức, DN, hợp tác xã và hộ cá thể áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO 22000... để tạo ra những sản phẩm rau an toàn. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích canh tác rau màu tại các địa phương có lợi thế nhằm ổn định nguồn cung lâu dài cho thị trường Hà Nội trong mọi tình huống.
Tăng cường giám sát chất lượng
Sản lượng rau màu của Hà Nội đến nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho hơn 10 triệu người dân đang cư trú trên địa bàn Thủ đô. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Dù vậy, chất lượng rau màu thì vẫn còn đó những nỗi lo.
Người dân Hà Nội không lo nguồn cung rau màu trong thời gian giãn cách xã hội. |
Thời gian qua, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã ghi nhận khá nhiều mẫu rau màu có chứa hàm lượng hoạt chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ghi nhận 2 mẫu; Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp phát hiện 1 mẫu. Trong khi Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật ghi nhận đến 21 mẫu rau có chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép.
Đối với những trường hợp phát hiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và yêu cầu khắc phục tại các cơ sở có mẫu vi phạm. Dù vậy điều này vẫn cho thấy, vấn đề chất lượng rau màu là không thể chủ quan.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, thực hiện tốt các quy hoạch về phát triển nông nghiệp. Trong đó, chú trọng quản lý, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ rau an toàn. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ và áp dụng công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nhân rộng những vùng rau chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân.
Ngành NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, phát hiện sớm, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm, nhất là trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phương thức giám sát cũng sẽ chuyển đổi mạnh sang đột xuất, thay vì theo kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.