Ghi nhận cho thấy, vì giá thịt heo tăng nên giá giò lụa cũng tăng theo từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều này dường như không hề ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ của món ăn này vào dịp cận Tết.
Bất chấp giá tăng giò lụa vẫn cháy hàng, một số cơ sở không đủ hàng để bán. |
Chị Cẩm, chủ một cơ sở chế biến giò lụa tại quận 6 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày Tết đang đến gần cũng là lúc nhu cầu mua giò lụa tăng cao, dường như việc giá tăng của thịt heo thời gian gần đây không ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
"Mở cửa từ lúc 7h sáng nhưng cứ đến 10h là không còn giò để bán, chỉ khách nào đặt cọc trước thì tôi mới giữ lại. Ngoài lượng khách đặt số lượng lớn, khách mua lẻ ra vào liên tục, trung bình 3 đến 4 đòn giò lụa các loại mỗi người", chị Cẩm nói.
Anh Sơn, một thương lái chuyên bán các mặt hàng tết cho biết, một phần vì nhu cầu ngày Tết cao, một phần vì thịt heo tăng giá nên tất cả các mặt hàng được làm từ thịt heo cũng tăng giá theo. Nếu chọn mua giò lụa do các cơ sở nhỏ, lẻ làm thì giá sẽ mềm hơn. Trong khi đó, cơ sở truyền thống có tiếng như Minh Châu, Như Lan, Phú Hương, giá các loại giò chả, giò thủ giá sẽ cao hơn một chút, trung bình tăng khoảng 50.000-100.000 đồng/kg so với ngày thường.
“Hiện giá giò lụa, giò thủ dao động trong khoảng 300.000-320.000 đồng/kg; giò bò, chả bò lên đến 340.000 đồng/kg, nem chua 300.000 đồng/kg; bánh chưng 180.000-240.000 đồng loại 1,5 kg tùy điểm bán; bánh tét 170.000 đồng loại 1,2 kg”, anh Sơn nói.
Trao đổi với PV, cô Tú (Gò Vấp) có thâm niên làm giò lụa gần 20 năm cho biết, trong quy trình làm giò lụa thì yếu tố quan trọng nhất chính là khâu chọn thịt. Thịt heo phải được lấy ngay trên lò mổ khi còn nóng hổi, đưa về nhà lọc bỏ gân, mỡ, chỉ lấy nạc.
“Thường thì tôi sẽ chọn mua heo cỏ để làm, chứ heo công nghiệp cho mùi vị sản phẩm hoàn toàn khác. Thịt heo từ lò mổ đến khi làm giò chỉ được để tối đa 3h để đảm bảo độ tươi ngon. Nước mắm gia giảm cũng là nước mắm ngon, tự muối, không sử dụng nước mắm công nghiệp…”, cô Tú chia sẻ.
Cũng theo cô Tú, sau khi xay nhuyễn thịt, các nguyên liệu được trộn lại với nhau và đặt trên lá chuối để gói. Một con giò muốn được ngon, đẹp phải được bó thật chặt để tránh làm nước ngấm vào bên trong lá chuối khiến cho giò bị nhão, ướt.
Công đoạn luộc giò tốn khá nhiều thời gian. Khi nước luộc phải thật sôi mới thả giò vào, giò luộc đứng từ 4-6h để đảm bảo chín đều, không quá non cũng không được quá già lửa.
Cách bảo quản giò lụa ngày Tết -Bảo quản giò lụa ăn thừa Sau khi cắt giò chả ra ăn nhưng chưa dùng hết, chúng ta nên lấy màng bọc ni lông thật sạch bọc đầu giò đã cắt ra. Bọc kín mặt cắt của miếng giò chả sẽ giúp chúng không bị thâm, lần ăn sau không bị khô. Sau khi bọc kín, nếu thời tiết ngày Tết nóng nực bạn có thể để vào ngăn mát tủ lạnh, nếu thời tiết lạnh ngay cả để ở ngoài treo lên thì giò chả cũng không bị hỏng. Lưu ý khi chọn màng bọc thực phẩm cần chọn loại chất lượng của các nhà sản xuất uy tín. Bởi màng bọc kém chất lượng thường chứa những chất độc hại, có thể ngấm vào thức ăn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong khi đó, đối với món giò tai, giò xào do đặc điểm về sự kết dính mà phải để ở nhiệt độ mát, lạnh vì vậy để bảo quản bạn nên để vào ngăn mát tủ lạnh. -Bảo quản chả lụa khi không có tủ lạnh Cách 1: Cho chả lụa vào xoong nhôm hoặc xoong inox sạch để nguội. Đậy kín vung rồi đặt vào trong một chậu nước lạnh to sao cho bề mặt nước cách miệng xoong 5 – 10 cm tránh nước tràn vào miệng xoong. Như vậy bạn đã có một “tủ lạnh tự chế ”để bảo quản chả lụa khi không có tủ lạnh thật rồi. Cách 2: Đây là cách bảo quản thường được ông bà thời xưa áp dụng. Sau khi luộc xong, rửa tráng giò bằng nước lã, để ráo và xếp thành lớp. Dùng vật nặng đè lên cây giò ép cho nước ra bớt, để trong vòng vài giờ rồi treo lên nơi khô ráo trong nhà hoặc có thể ngâm xuống giếng nước, nhiệt độ ổn định ở dưới giếng nước bảo quản được giò chả trong vài tháng liền. |