Hà Nội tăng cường dự trữ hàng Tết
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện khả năng tự cung ứng của Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 20-70% nhu cầu. Lượng hàng thiếu được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp dữ trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Người tiêu dùng mua nước giải khát chuẩn bị Tết Nguyên đán tại siêu thị Co,op Mart. Ảnh: Hoài Nam
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc sẽ dự trữ khoảng 12.000 tấn hàng hóa, tăng từ 30 - 50% theo từng nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.
Với đợt kinh doanh Tết Ất Tỵ 2025, hệ thống Co.op Mart trữ lượng một lượng lớn các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản...“ Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nên siêu thị tập trung dự trữ các mặt hàng thiết yếu, mức giá bán ra luôn ổn định"- bà Dung cho hay.
Thực tế cho thấy hiện các hệ thống bán lẻ quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội như Winmart, AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng đang tích cực ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Thông tin từ hệ thống siêu thị Winmart cho thấy, những tháng cuối năm luôn được xem là thời điểm vàng của thị trường bán lẻ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nắm bắt xu hướng này, hệ thống siêu thị WinMart đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp từ 2 đến 3 tháng trước Tết Nguyên đán để dự trữ hàng hóa tăng 20% so với cùng kỳ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống trong thời điểm cuối năm tại siêu thị Tops Market. Ảnh: Hoài Nam
Hiện các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Vĩnh Long,... đều cam kết duy trì giá ổn định cho hàng trăm mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, và nhu yếu phẩm.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, nhằm ngăn chặn hiện tượng thiếu hàng “sốt” giá đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết xây dựng kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tiếp tục giới thiệu nguồn cung hàng hóa của các tỉnh đến hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội qua đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Đồng thời hỗ trợ các tỉnh tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội trong thời điểm thích hợp. Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ tổ chức các điểm, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
“Sở Công Thương tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2024, phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có thiên tai trên địa bàn, góp phần ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết, đảm bảo hàng hóa cung ứng cho người dân trong trường hợp xảy ra mưa, bão úng ngập những tháng cuối năm 2024”-bà Oanh nhấn mạnh.
Đa dạng các kênh phân phối
Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đề tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 Trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn)…
Người tiêu dùng mua bánh kẹo trong thời điểm cuối năm tại siêu thị Tops Market. Ảnh: Hoài Nam
Cùng đó, Sở Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; Tổ chức các chợ hoa xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sendo Nguyễn Đắc Việt Dũng cho biết, thông thường càng gần Tết, sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu, hiện các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee, Tiki, Lazada, Voso, Postmart… đang tổ chức nhiều chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cũng như liên kết với các tỉnh thành xây dựng các gói chương trình hàng Việt qua đó hỗ trợ người tiêu dùng mua được sản phẩm cần thiết, giá hợp lý.
Không chịu thua kém hệ thống siêu thị WinMart, Go! BigC, MM Mega Market cho thấy những siêu thị này cũng triển khai dịch vụ đặt hàng qua APP, Zalo, website với hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày…
Người tiêu dùng mua bánh kẹo thời điểm cuối năm tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam
Thông tin từ Sở Công Thương cho thấy, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngành công thương huy động các sàn thương mại điện tử vào cuộc đưa hàng Tết tới người dân. Theo đó, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, hàng hóa phục vụ Tết cũng sẽ được triển khai bán hàng trên các hệ thống kênh bán hàng đa phương tiện tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn để người tiêu dùng chủ động mua hàng hóa.
Như vậy, các hoạt động cung ứng hàng hóa, tổ chức chương trình giảm giá kích cầu dịp cuối năm của các sàn thương mại điện tử, website đang phát huy lợi ích của kênh phân phối trực tuyến từ đó giảm tải cho kênh mua sắm truyền thống. Đồng thời, tiếp cận khách hàng tiềm năng, tăng doanh thu trong thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề.