Giá vàng thế giới ngày 3/1, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.829 USD/ounce - đi ngang so với chốt phiên giao dịch hôm qua.
Giá vàng ngày 3/1/2022: Vàng trụ vững ở mức cao. Ảnh: Reuters
Chuyên gia lão làng trên thị trường vàng George Milling-Stanley, Chiến lược gia trưởng tại State Street Global Advisors và cũng là người tiên phong khởi động quỹ Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đầu tiên trên thế giới được hỗ trợ bằng vàng dự đoán (với xác suất 50%) giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng 1.800 USD đến 2.000 USD/ounce vào năm 2022. Thậm chí vị chuyên gia này còn nói thêm rằng, ông nhận thấy có 30% khả năng giá vàng được đẩy trên 2.000 USD lên mức cao kỷ lục mới.
Mặt khác, ông chỉ nhìn thấy 20% cơ hội giá vàng giao dịch trong khoảng từ 1.600 USD đến 1.800 USD/ounce.
Đặc biệt, ông nhắc lại lập trường của mình rằng, các nhà đầu tư vàng không phải lo sợ về sự xoay chuyển sắp xảy ra trong chính sách tiền tệ của nền kinh tế Mỹ. Trong cuộc họp chính sách vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu rằng họ sẽ kết thúc việc mua trái phiếu hàng tháng vào tháng 3 và tăng lãi suất ba lần vào năm tới.
Trước khi là Chiến lược gia trưởng tại State Street Global Advisors, George Milling-Stanley từng là Giám đốc điều hành tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ông có những lý do riêng nhưng không kém phần thuyết phục, rất đáng để các nhà đầu tư đưa lên "bàn cân", trước khi ra các quyết định đầu tư trong thời gian tới. Để lập luận cho các nhận định của mình, Milling-Stanley đã chỉ ra các ví dụ thực tế đã xảy ra trong những năm qua.
Milling-Stanley chỉ ra rằng, trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ cuối cùng, từ năm 2015 đến 2019, Fed đã tăng lãi suất 9 lần và giá vàng tăng gần 35%. Tuy nhiên, đây cũng không phải là một sự cố cá biệt, mà từ năm 2004 đến 2005, Fed đã tăng lãi suất 17 lần và giá vàng tăng 70%. Đó là lý do, “các nhà đầu tư nên nhìn xa hơn tỷ lệ chính sách danh nghĩa và xem xét các yếu tố khác như lãi suất thực và/hoặc động lực cung cầu của thị trường vàng có thể tác động đến chuyển động giá vàng”, vị Chiến lược gia của State Street Global Advisors đưa ra tư vấn như vậy trong dự báo về triển vọng thị trường kim loại quý năm 2022.
Theo Milling-Stanley, các nhà đầu tư cũng cần đặt quan điểm chính sách tiền tệ của Fed ở một góc độ lớn hơn nhiều trong thị trường tài chính. Với lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022, lãi suất thực tế sẽ vẫn ở mức âm. Bởi vậy, ông cho rằng, không có khả năng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có lập trường quá mạnh mẽ về chính sách tiền tệ để chống lạm phát. "Có thể Fed sẽ chỉ tăng lãi suất hai lần trong năm tới", ông đưa ra một dự đoán thấp hơn các thông tin được đưa ra hiện nay.
“Việc tăng lãi suất có xu hướng kìm hãm tăng trưởng kinh tế và các lĩnh vực quan trọng như thị trường nhà ở. Đó là điều cuối cùng mà Fed muốn làm trong năm tới. Tôi nghĩ rằng, Fed sẽ chấp nhận mức lạm phát từ 3% đến 6%”,
Nhìn vào lãi suất trong quá khứ và chính sách tiền tệ của Mỹ, Milling-Stanley tin rằng, vàng sẽ vẫn là một tài sản trú ẩn an toàn hấp dẫn vào năm 2022, khi các nhà đầu tư vẫn phải tìm cách phòng ngừa trước khi đặt cược vào các loại rủi ro.
Một lý do khiến giới đầu tư tránh xa vàng trong năm 2021 là do tiềm tăng giá chưa từng có trên thị trường chứng khoán. Kinh tế toàn cầu hồi phục khiến nhà đầu tư tìm đến tài sản rủi ro nhiều hơn và các công cụ trú ẩn như vàng mất sức hấp dẫn. Chỉ số S&P 500 trong năm vừa qua đã ở mức cao kỷ lục, tăng tới 27%. Mặc dù lãi suất thực dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp, nhưng lạm phát có thể tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới định giá thị trường cổ phiếu.
“Với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tài chính vào năm 2021, tiềm năng cho một sự điều chỉnh theo chu kỳ, tăng biến động thị trường hoặc rủi ro ngoại sinh đã tăng lên vào năm 2022”, Milling-Stanley phân tích trong dự báo triển vọng thị trường năm 2022. Theo đó, khả năng cao về những biến động này có thể đẩy các nhà đầu tư đến với vàng như một hàng rào tiềm năng để chống lại các rủi ro thường trực trên thị trường. Trong lịch sử, vàng đã chứng minh là tài sản tốt để các nhà đầu tư gửi gắm niềm tin trước những cú sốc trong ngắn hạn.
Chiến lược gia Milling-Stanley còn đưa ra thêm một yếu tố cuối cùng sẽ giúp hỗ trợ vàng trong năm mới là sự phục hồi đầy tiềm năng ở các thị trường mới nổi. Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số các nền kinh tế mới nổi quan trọng đối với thị trường vàng đều đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của người tiêu dùng trong suốt năm 2022.
Trên thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 60,900 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,650 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 61,080 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,740 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 60,950 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,670 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 61,050 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,750 triệu đồng/lượng (bán ra).