Giá vàng thế giới ngày 28/4, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.885 USD/ounce - giảm 20 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng ngày 28/4/2022: Vàng lao dốc không phanh. Ảnh: Reuters
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích thị trường của Kinesis cho biết: “Chúng ta đang ở trong một môi trường không phải là tốt nhất cho vàng.
Ông nói thêm rằng giá vàng đang giảm đà tăng do sức mạnh của đồng USD và nhận định về chính sách “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số USD, đo lường hiệu suất so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 do triển vọng tăng lãi suất mạnh mẽ của ngân hàng trung ương Mỹ và dòng tiền trú ẩn an toàn trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và châu Âu.
Nhà phân tích De Casa nói: “Áp lực lạm phát có thể tích cực đối với vàng nếu các ngân hàng trung ương không thể giữ đà tăng của giá hàng hóa trong tầm kiểm soát”.
Lãi suất Mỹ tăng đã làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lợi, đồng thời thúc đẩy đồng USD lên cao. Đồng bạc xanh cũng được coi là tài sản trú ẩn an toàn và là đối thủ của vàng trong các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Liên quan tới thị trường vàng, theo Kitco News, nhà sản xuất vàng lớn thứ hai của Nga Polymetal cho biết họ thích bán vàng ra nước ngoài hơn vì các ngân hàng trong nước mua kim loại quý này với giá chiết khấu.
Do các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine, Polymetal gặp hạn chế trong việc bán hàng.
Theo Bloomberg, Giám đốc điều hành Vitaly Nesis của công ty này cho biết, doanh nghiệp đã nhắm mục tiêu vào các ngân hàng không bị trừng phạt. Tuy nhiên, các ngân hàng địa phương mua kim loại quý với giá chiết khấu so với giá quốc tế.
Trước đây, Polymetal thường bán vàng cho các ngân hàng quốc doanh, bao gồm Sberbank PJS, VTB Bank PJSC và Bank Otkritie.
Hiện nay, do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Polymetal không thể tiếp tục bán vàng cho các tổ chức trên nữa.
Trong khi đó, cũng theo Bloomberg, Ngân hàng trung ương Nga đã bắt đầu nối lại hoạt động mua vàng sản xuất trong nước, tuy nhiên, dự kiến sẽ không mua nhiều như trước. Đây là lý do khiến Polymetal đang tìm cách bán vàng ra thị trường nước ngoài.
Giám đốc Nesis nói: “Chiến lược của chúng tôi là bán càng nhiều càng tốt”.
Polymetal được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London, Sở giao dịch chứng khoán Moscow và Sở giao dịch quốc tế Astana của Kazakhstan.
Nesis cho biết thêm, tại Kazakhstan, hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng.
Polymetal đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, sản lượng dự kiến trong năm nay là 1,7 triệu ounce vàng. Doanh thu quý I vừa qua tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 616 triệu USD, nhưng sản lượng đã giảm 6%, đạt 372.000 ounce.
Polymetal cho biết, xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt đã gây "áp lực to lớn" lên công ty trong quý đầu tiên.
Trước đó, đã có một số tranh cãi về giá mà Ngân hàng trung ương Nga áp dụng khi bắt đầu lại hoạt động mua vàng sau hai năm gián đoạn.
Vào cuối tháng 3, ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục mua vàng từ các ngân hàng địa phương với giá cố định là 5.000 Ruble/gr trong khoảng thời gian từ ngày 28/3-30/6. Giá trị này tương đương 52 USD/gram vào thời điểm đó trong khi giá trị thị trường khoảng 68 USD/gram.
Sau đó, vào tháng 4, Ngân hàng trung ương Nga thông báo sẽ ngừng mua vàng với giá cố định từ các ngân hàng địa phương bắt đầu từ ngày 8/4 và tiếp tục mua với "giá thương lượng".
Trên thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,300 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 69,370 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 69,350 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,070 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,350 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,000 triệu đồng/lượng (bán ra).