SJC tăng mạnh
Giá vàng miếng trong nước tăng mạnh. Kết thúc ngày 19/5, vàng các thương hiệu đang mua vào 116,8 triệu đồng/lượng và bán ra mức 119,3 triệu đồng/lượng. Vàng Phú Quý SJC đang mua vào thấp hơn 500.000 đồng so với các thương hiệu khác.
Tương tự, vàng nhẫn các thương hiệu cũng được điều chỉnh tăng cả giá mua và bán. Cụ thể, giá vàng nhẫn SJC 9999 niêm yết ở mức 111,5 triệu đồng/lượng mua vào và 114,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng cả giá mua và bán thêm 500.000 đồng, lên lần lượt 111,5 triệu đồng/lượng mua vào và 114,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng nhẫn thương hiệu Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 114,2 triệu đồng/lượng mua vào và 117,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn ở mức 111,8 triệu đồng/lượng và bán ra 114,8 triệu đồng/lượng, không đổi so với rạng sáng qua.
Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 111,5 triệu đồng/lượng mua vào và 114,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5 giờ hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 3232,22 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 38,1 USD/ounce so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank (26.130 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 102,91 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế 16,39 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới vừa tăng trở lại nhờ đồng USD suy yếu và nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn sau khi Moody’s hạ bậc tín nhiệm của chính phủ Mỹ. Cùng lúc đó, căng thẳng thương mại tiếp tục khiến nhà đầu tư thận trọng. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 1,06%, trong khi đó, giá vàng tương lai tại Mỹ cũng tăng 1,7% lên 3.242,6 USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo nhà phân tích Fawad Razaqzada từ City Index và FOREX.com, nguyên nhân chính đẩy giá vàng lên là việc Moody’s hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ. Ông cho biết: "Đồng USD đang yếu đi trên diện rộng, trong khi lợi suất trái phiếu tăng do chính phủ bán nợ công. Điều này khiến thị trường có xu hướng giảm rủi ro."
Tâm lý e ngại rủi ro bao trùm thị trường khi bắt đầu tuần giao dịch mới. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ mức đánh giá nợ dài hạn của Mỹ từ "Aaa" xuống "Aa1" vào cuối tuần trước, với lý do nợ liên bang tăng cao và thâm hụt ngân sách kéo dài. Điều này khiến Mỹ chính thức mất vị thế "xếp hạng hoàn hảo" tại cả ba tổ chức đánh giá lớn nhất thế giới, sau Fitch và S&P Global.
Đồng USD giảm 0,8%, giúp giá vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Căng thẳng càng gia tăng khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent cảnh báo sẽ tăng thuế nhập khẩu nếu các nước đối tác không đàm phán nghiêm túc.
Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế mới từ Trung Quốc cho thấy cuộc chiến thương mại với Mỹ đang gây tổn hại cho nền kinh tế nước này, khiến thị trường tài chính toàn cầu thêm lo lắng. Dữ liệu chính thức công bố ngày 19/5 cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc chậm lại trong tháng Tư.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm và 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm cắt giảm lãi suất và nguy cơ suy thoái tại Mỹ giảm. Trong khi đó, Tổng thống Trump kêu gọi Fed giảm lãi suất sớm để hỗ trợ nền kinh tế.
Các kim loại quý khác cũng biến động, giá bạc tăng 0,7% lên 32,5 USD/ounce, palladium giảm 0,3% xuống 957,74 USD, còn bạch kim tăng 0,9% lên 996,45 USD. Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới cho biết nhu cầu trang sức bạch kim tại Trung Quốc đang tăng, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn dự kiến.