Giá vàng thế giới ngày 11/3, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.997 USD/ounce - tăng 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng ngày 11/3/2022: Vàng bất ngờ tăng trở lại. Ảnh: Reuters
Giá vàng hôm nay tăng trở lại khi đồng USD giảm và Mỹ ghi nhận kỷ lục tệ nhất trong 40 năm qua.
Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng vọt lên mức 7,9% trong tháng 2 vừa qua, mức cao nhất trong 40 năm do giá cả hàng hóa tăng sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào cuối tháng trước.
Dữ liệu lạm phát của tháng Hai là điểm dữ liệu quyết định cuối cùng trước cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ Jerome Powell tuần trước đã có cuộc điều trần trước quốc hội và cho biết ông sẽ ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản như truyền thống trong cuộc họp vào ngày 16/3 tới bất chấp những bất ổn kinh tế xung quanh “hậu quả không mong muốn” của cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Sự bất ổn địa chính trị liên quan đến vấn đề Ukraine và các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga đã tạo ra nhu cầu vàng mạnh mẽ. Các nhà đầu tư coi kim loại quý này như một hàng rào chống lại rủi ro, lạm phát và cú sốc kinh tế. "Giá vàng đang tăng vọt vào thời điểm này chủ yếu là do hoàn cảnh địa chính trị. Với sự gia tăng bất ổn kinh tế do xung đột Nga-Ukraine, các nhà đầu tư đang cảm thấy lo lắng và rút khỏi cổ phiếu, thay vào đó, họ đổ tiền vào nơi trú ẩn an toàn truyền thống là vàng", đồng sáng lập MarketOrders và COO Sukhi Jutla nhận định.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính khác là thách thức mới về lạm phát, với việc các thị trường bắt đầu nghi ngờ khả năng kiểm soát lạm phát đang gia tăng nhanh chóng của các ngân hàng trung ương do các vấn đề nghiêm trọng của chuỗi cung ứng.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết, kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, chỉ riêng các quỹ ETF vàng đã chứng kiến 55 tấn vàng chảy vào, riêng ngày hôm qua hơn 14 tấn, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đưa ra cảnh báo rằng, các yếu tố kích hoạt địa chính trị là động lực tạm thời của vàng, với hầu hết lợi nhuận cuối cùng có thể bị từ bỏ. Và sau đó, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc chống Nga bắt đầu đè nặng lên lạm phát toàn cầu và triển vọng kinh tế, làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ.
Ngay cả Chủ tịch Fed Powell cũng thừa nhận, ông đang thận trọng theo dõi "hậu quả không mong muốn" của cuộc xung đột. Mối quan tâm lớn hiện nay là giá hàng hóa cao hơn, quan trọng nhất là mức độ tăng đột biến của giá hàng hóa đó sẽ dai dẳng như thế nào, đồng thời ông nêu rõ, bất kỳ cú sốc giá dầu dài hạn nào cũng có thể biến thành lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Đây là lúc vàng bắt đầu sáng trở lại do sự đan xen giữa lo ngại địa chính trị và lạm phát đình trệ.
Trên thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,000 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 67,600 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 67,800 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,620 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,500 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,500 triệu đồng/lượng (bán ra).