Giá vàng thế giới ngày 9/3, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 2.048 USD/ounce - tăng 50 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng ngày 9/3/2022: Vàng tăng thẳng đứng, vì sao? Ảnh: Reuters
Xung đột Nga-Ukraine khiến nỗi sợ hãi gia tăng trên thị trường chính là nguyên nhân khiến giá vàng "phi mã" vì giới đầu tư ráo riết tìm kênh trú ẩn an toàn. Vàng được cho là vẫn còn dư địa để tăng giá trong thời gian tới bởi 3 yếu tổ: Chiến sự ở Ukraine vẫn "nóng"; Lạm phát đang tăng nhanh trên toàn cầu; Và các quyết sách về lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Thị trường chứng khoán hiện đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và sẽ tiếp tục chịu áp lưc bán tháo, điều này cũng sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Các chỉ số chính trên Phố Wall đã giảm 1% trong khi giá dầu thô tăng mạnh đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng lạm phát leo thang hơn nữa. Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 3. Nếu đúng như dự kiến, Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 và đợt điều chỉnh đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3 này.
Trong báo cáo mới nhất, Hội đồng vàng thế giới (WGC) khẳng định, lo ngại lạm phát gia tăng và bất ổn địa chính trị đã đẩy các nhà đầu tư vào các quỹ giao dịch được hỗ trợ bằng vàng (ETF), giúp giá tăng 6% trong tháng 2, mức tăng hàng tháng tốt nhất kể từ tháng 5/2021.
WGC cho biết, các quỹ ETF vàng toàn cầu đã chứng kiến dòng vốn ròng lên tới 35,3 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD. Theo Tổ chức này, trong môi trường lãi suất thấp, với áp lực lạm phát gia tăng, vàng vẫn là một yếu tố đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt hơn so với trái phiếu.
"Chúng ta sẽ phải đối mặt với một thời kỳ lạm phát cực cao, các ngân hàng trung ương sẽ phải vật lộn để đưa ra biện pháp phòng vệ vì những ràng buộc khác. Điều đó sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào thị trường vàng", Ole Hansen, Chuyên gia phân tích của ngân hàng Saxo nhận định.
Nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades cho biết, vàng là liều thuốc giải độc cuối cùng cho tình trạng lạm phát kèm suy thoái, hay suy thoái kinh tế với lạm phát cao, điều ngày càng hợp lý nếu mọi thứ tiếp tục leo thang.
Với tâm lý lạc quan hơn, chuyên gia Lobo Tiggre từ The Independent Speculator cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine không thể mãi leo thang và căng thẳng. Nếu mọi thứ nguội đi thì nỗi sợ sẽ tan biến và vàng sẽ trở về đúng nhịp như xưa.
Trong khi đó, từ những diễn biến kinh tế, chính trị thế giới "nóng rẫy" trong những ngày này, Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs tiếp tục đẩy dự báo giá vàng lên những đỉnh cao chưa từng có. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đưa giá vàng thế giới lên đỉnh 2.020,98 USD/ounce chỉ trong một đêm. Đây là mức cao nhất mà kim loại quý đã giao dịch kể từ mùa hè năm 2020.
Được coi là một kho lưu trữ giá trị an toàn trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu như hiện tại. Đỉnh tiếp theo của giá vàng rất có thể sẽ là mức cao nhất mọi thời đại - 2.075,14/ounce và phe tăng giá có thể đang nhắm đến vùng kháng cự này. Goldman viện dẫn sự gia tăng nhu cầu từ người tiêu dùng, nhà đầu tư, ngân hàng trung ương do sự bất ổn địa chính trị gia tăng.
Trên thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,000 triệu đồng/lượng (mua vào) và 71,800 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 69,000 triệu đồng/lượng (mua vào) và 71,600 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 70,200 triệu đồng/lượng (mua vào) và 72,020 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,200 triệu đồng/lượng (mua vào) và 71,800 triệu đồng/lượng (bán ra).