Theo ghi nhận trên thị trường giá nông sản trong nước, giá tiêu hôm nay 1/7/2020 tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với phiên giao dịch hôm qua.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay đồng loạt tăng 500 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 49.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay cũng tăng 500 đồng/kg lên mức 47.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg lên 50.500 đồng/kg, đây là địa phương có giá cao nhất toàn miền.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg, đang được thu mua với mức 49.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai giá tiêu hôm nay tăng mạnh 1.000 đồng/kg lên mức 48.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 47.500 - 50.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 1/7: Tăng 500 - 1.000 đồng/kg.
Những ngày này, anh Nguyễn Đức Phương (sinh năm 1965), ở thôn Hương Bắc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đang tích cực thu hoạch tiêu. Gia đình anh Phương có 1ha hồ tiêu được trồng từ năm 2015. Năm ngoái anh Phương thu hoạch được khoảng 2 tấn tiêu và bán được gần 90 triệu đồng. Năm nay, anh dự tính sẽ thu hoạch được trên 3 tấn tiêu. “Năm ngoái giá tiêu khô chỉ khoảng hơn 40 ngàn đồng/kg còn năm nay đã lên được trên 50 ngàn đồng/kg. Trước đây, tôi chủ yếu bán tiêu khô cho thương lái sau khi thu hoạch nhưng từ năm 2017, tôi tham gia Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh nên thu hoạch xong là bán tiêu tươi cho HTX với mức giá ổn định hơn. Năm nay giá tiêu có lên và tiêu được mùa nên gia đình tôi rất vui. Bởi vì số vốn ban đầu để gầy dựng vườn hồ tiêu mà gia đình tôi bỏ ra là gần 1 tỉ đồng. Vì vậy, tiêu được mùa, được giá giúp gia đình tôi sớm thu hồi lại vốn để đầu tư nhiều hơn”, anh Phương nói.
Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh tiêu tỉnh Quảng Trị Dương Mạnh Tường cho biết, giá hồ tiêu thành phẩm giảm mạnh từ năm 2016 và chạm đáy vào năm 2018. Bắt đầu từ năm 2019, giá hồ tiêu có dấu hiệu phục hồi. Hiện tại, tiêu thành phẩm có giá giao động từ 47.500 - 50.500 ngàn đồng/kg. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thành lập nên nhiều HTX, tổ hợp tác để hỗ trợ nông dân trồng hồ tiêu từ khâu trồng trọt, chăm bón đến tiêu thụ.
Ông Tường cho biết thêm, nguyên nhân chính khiến tiêu Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung bị rớt giá là do bị vỡ quy hoạch, người dân ồ ạt trồng tiêu mà không hướng đến chất lượng sau thu hoạch. Tiếp đến là chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất… Vì vậy, giải pháp căn cơ và lâu dài để phát triển cây hồ tiêu bền vững đó là ổn định diện tích trồng tiêu, không phát triển ồ ạt, chú trọng chất lượng hơn số lượng, trồng tập trung, không phân tán manh mún. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Về lâu dài, người trồng tiêu cần hướng đến trồng theo hướng hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm, giữ được màu đỏ của trái tiêu chính để tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng.