Giá nông sản ngày 24/7: Cà phê tiếp tục tăng 200 đồng/kg
Ghi nhận giá cà phê nguyên liệu ngày hôm nay 24/7, tại Tây Nguyên tiếp tục tăng 200 đồng/kg so với hôm qua.
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 36.700 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 36.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 37.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 37.700 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 37.600 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 37.500 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 37.600 đồng/kg, 37.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 37.400 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 36.700 - 37.900 đồng/kg.
Giá nông sản ngày 24/7: Cà phê tiếp tục tăng 200 đồng/kg. (Ảnh: Internet)
Trên thị trường thế giới, giá cà phê điều chỉnh trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2021 được ghi nhận tại mức 1.899 USD/tấn sau khi tăng 0,53% (tương đương 10 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 9/2021 tại New York đạt mức 189 US cent/pound, giảm 2,40% (tương đương 4,65 US cent).
Giá nông sản ngày 24/7: Tiêu tăng 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay đồng loạt tăng 500 đồng/kg lên mức 73.500 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức lần lượt 74.000 đồng/kg và 75.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg và 72.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 71.000 - 75.000 đồng/kg.
Ngày 22/7, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) có văn bản gửi các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan kiến nghị bỏ mặt hàng hồ tiêu đen (mã HS 0904.11.20) ra khỏi danh mục xuất khẩu có điều kiện và không thuộc đối tượng quản lí rủi ro.
Lý do là gần đây, các doanh nghiệp khi mở tờ khai xuất khẩu hồ tiêu thì bị xếp vào “luồng vàng”, tức là bị kiểm tra chi tiết hồ sơ, chứng từ thay vì là luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa) như trước. Tỷ lệ tờ khai “luồng vàng” đã tăng từ 8% lên đến 60%, và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen, làm tăng chi phí của doanh nghiệp và tiềm ẩn rủi ro phơi nhiễm Covid-19 vì việc phải đi lại để xử lý hồ sơ thông quan.
Vì thế, ngày 12/7, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan, quan kiến nghị xem xét cơ chế phân luồng kiểm tra đối với việc xuất khẩu hồ tiêu.
Ngày 21/7, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), đã có văn bản số 173/QLRR-P3 để trả lời. Trong văn bản này, Cục quản lý rủi ro đã dẫn một số quy định của pháp luật và xác định: Trường hợp cụ thể của Hiệp hội, mặt hàng Hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu nằm trong Danh mục dược liệu có điều kiện theo pháp luật quản lý chuyên ngành.
Cụ thể, tại Điều 92 Nghị định 54/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược quy định: cơ sở kinh doanh dược khi thông quan xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc:…” và Thông tư 03/2016/TT-BYT quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu: “Cơ sở Việt Nam xuất khẩu dược liệu phải đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu”...
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu không có chức năng kinh doanh dược mà chỉ đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản. Thêm vào đó, Thông tư 37/2018/TT- BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng xác định hồ tiêu là 1 trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Mặt khác, ngày 4/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-BYT loại bỏ một số mặt hàng ra khỏi danh mục dược liệu, trong đó có hồ tiêu và chỉ quy định trường hợp hồ tiêu xuất khẩu, nhập khẩu được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược.
Ông Hải cho biết thêm, hồ tiêu đen xuất khẩu chiếm 80% trên tổng số lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Hồ tiêu đen xuất khẩu là một loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thông thường, chủ yếu được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm tại thị trường nhập khẩu. Còn các thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng dược liệu và chưa có doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được.