Giá nông sản ngày 21/4: Cà phê đồng loạt tăng nhẹ
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.300 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.800 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 40.800 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.700 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 40.800 đồng/kg, 40.700 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.800 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.200 - 40.900 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê được điều chỉnh trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 5/2022 được ghi nhận tại mức 2.075 USD/tấn sau khi tăng 0,05% (tương đương 1 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại New York đạt mức 218,80 US cent/pound, giảm 1,13% (tương đương 2,5 US cent).
Bà Trần Thúy Nga (Pleiku, Gia Lai) cho biết: Giá cà phê đã tăng mạnh nên niên vụ cà phê 2021-2022 người trồng đã có mùa thu hoạch khá lạc quan, dù giá phân bón đang "phi mã".
“Tính bình quân, tháng 3/2022, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 2.248 USD/tấn, tuy giảm 2,5% so với tháng 2/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 3/2021. Tính chung cả quý 1, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng rất đáng phấn khởi vì suốt từ năm 2017 trở về trước người trồng phải chịu thua lỗ do giá cà phê rất “đen tối”” - bà Trần Thúy Nga cho hay.
Theo ước tính của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 541 nghìn tấn, trị giá khoảng 1,22 tỉ USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, chỉ riêng tháng 3/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 170 nghìn tấn, trị giá 394 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 22,6% về trị giá so với tháng 2/2022, so với tháng 3/2021 tăng 0,2% về lượng và tăng 26,2% về trị giá. Đây được xem là mức cao nhất từ trước đến nay.
Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyên Hoàng
Giá nông sản ngày 21/4: Tiêu giảm 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg xuống mức 78.000 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay cũng giảm 500 đồng/kg xuống 80.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg xuống mức 79.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay đi ngang, hiện được thu mua với mức 77.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 77.000 - 80.000 đồng/kg.
Theo Cộng đồng Hồ tiêu thế giới, nhu cầu hồ tiêu toàn cầu đang cho thấy sự tăng trưởng qua từng năm. Để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường, ngành công nghiệp này phải nâng cao năng lực của hạt tiêu như một sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì chỉ chế biến ở dạng nguyên hạt và xay nhỏ.
Cộng đồng Hồ tiêu thế giới kêu gọi các thành viên hãy cùng nhau học hỏi kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm từ các công ty và cơ quan chính phủ đã đi tiên phong trong việc nâng cao giá trị gia tăng và đổi mới của hạt tiêu. Hãy khai thác nhiều hơn các công dụng khác của hạt tiêu thay vì chỉ ở dạng thô, qua đó làm tăng lượng tiêu thụ toàn cầu.
Ở Việt Nam, chế biến sâu hồ tiêu cũng đang là câu chuyện được quan tâm trong những năm qua. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên dưới 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu gồm các mặt hàng như tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột...
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Nhằm khai mở những cánh cửa mới của ngành gia vị Việt Nam cũng như góp phần nâng cao giá trị cho hạt tiêu Việt, nhiều doanh nghiệp hồ tiêu đã ra mắt thị trường những sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao thời gian qua.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đang hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng, hướng tới lấy lại vị thế xuất khẩu tỷ đô của ngành hàng này.
Trên thị trường thế giới, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hạt tiêu của Bỉ năm 2021 đạt 2,51 nghìn tấn, trị giá 13,16 triệu EUR (tương đương 14,31 triệu USD), tăng 24,1% về lượng và tăng 10,4% về trị giá so với năm 2020.
Theo Eurostat, Bỉ nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu từ thị trường nội khối, đạt 2,08 nghìn tấn, trị giá 11,05 triệu EUR (tương đương 12 triệu USD) trong năm 2021, tăng 49,5% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, Bỉ nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu từ thị trường Hà Lan, Đức.
Đối với thị trường ngoại khối, Bỉ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam và Ấn Độ, nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc và Madagascar.
Theo báo cáo từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu của Bỉ từ Việt Nam đạt 173 tấn, trị giá 704 nghìn EUR (tương đương 765 nghìn USD), tăng 76% về lượng và tăng 116,9% về trị giá so với năm 2020.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Bỉ tăng từ 4,84% trong năm 2020, lên 6,86% trong năm 2021.