Giá nông sản ngày 14/5: Cà phê tiếp tục giảm 300 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.100 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.600 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 40.600 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.500 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 40.600 đồng/kg, 40.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.600 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.000 - 40.700 đồng/kg.
Giá nông sản ngày 14/5: Cà phê tiếp tục giảm 300 đồng/kg. Ảnh: Lương Vinh
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 7/2022 được ghi nhận tại mức 2.040 USD/tấn sau khi giảm 0,87% (tương đương 18 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 7/2022 tại New York đạt mức 213,9 US cent/pound, giảm 0,65% (tương đương 1,4 US cent).
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá cà phê sẽ chậm lại sau khi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đưa ra Báo cáo Thị trường tháng 3/2022.
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3/2022 tăng 4,03% so với tháng 3/2021. Lũy kế 12 tháng (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), xuất khẩu cà phê arabica đạt 80,90 triệu bao, giảm 2,14% và xuất khẩu robusta đạt 48,90 triệu bao, tăng 2,14% so với 12 tháng trước đó.
ICO đã giữ dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê 2021 - 2022 ở mức 167,20 triệu bao, thấp hơn 2,10% so với niên vụ 2020 - 2021 và giữ nguyên dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ này ở mức 170,30 triệu bao, tăng 3,3% so với niên vụ 2020 - 2021.
Theo đó, thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 3,1 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021 - 2022. Điều này sẽ không còn là mối lo khi Brazil đã bước vào thu hoạch cà phê của niên vụ mới 2022 - 2023 với sản lượng tăng theo chu kỳ “hai năm một”.
Giá nông sản ngày 14/5: Tiêu tiếp tục giảm 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 74.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 76.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 75.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 73.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 73.000 - 76.000 đồng/kg.
Thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, tháng 4/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 3.510 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen đạt 2.771 tấn, tiêu trắng đạt 739 tấn. So với tháng 3/2022 lượng nhập khẩu giảm 8,2%, kim ngạch giảm 4,6%. Trong đó, Olam là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất với khối lượng đạt 1.706 tấn, chiếm 48,6% tổng lượng nhập khẩu. Cambodia tiếp tục là thị trường cung cấp chủ yếu hồ tiêu cho Việt Nam đạt 1.795 tấn, chiếm 51,1%; tiếp theo là Indonesia và Brazil.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 12.105 tấn, trong đó tiêu đen đạt 10.456 tấn, tiêu trắng đạt 1.649 tấn, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu tăng 6,9%.
Cambodia vươn lên trở thành quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022, đạt 4.709 tấn, tăng 241% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ Brazil đạt 3.915 tấn và Indonesia đạt 1.855 tấn với mức giảm tương ứng lần lượt là 1,4% và 61,7%. Olam tiếp tục là doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu đạt 4.764 tấn, chiếm 39,4% và tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Indonesia là quốc gia cung cấp chủ yếu tiêu trắng cho Việt Nam đạt 1.493 tấn, chiếm 90,5% tổng lượng nhập khẩu tiêu trắng của Việt Nam.
Theo VPA, niên vụ tiêu 2020 - 2021, hồ tiêu của cả nước bị mất mùa nên sản lượng chỉ đạt khoảng 195.000 tấn, và vụ tiêu năm nay lại tiếp tục mất mùa và năng suất giảm từ 10% - 15%, tương đương 20.000 tấn, ước sản lượng vụ tiêu này đạt từ 165.000 tấn - 175.000 tấn.
Sản lượng hồ tiêu trong nước liên tiếp sụt giảm, để có đủ nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu buộc doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu để chế biến xuất khẩu, đó cũng là nguyên nhân khối lượng hồ tiêu nhập khẩu trong thời gian qua tăng so với cùng kỳ và là yếu tố giúp Việt Nam duy trì là nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới.