Giá nông sản ngày 10/3: Cà phê tiếp tục tăng mạnh
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.500 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.400 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.000 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.000 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.900 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 41.000 đồng/kg, 40.900 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.000 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 41.100 - 40.400 đồng/kg.
Giá nông sản ngày 10/3: Cà phê tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Đỗ Toàn
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2022 tăng 23 USD/tấn ở mức 2.117 USD/tấn, giao tháng 7/2022 tăng 25 USD/tấn ở mức 2.096 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2022 giảm 3,6 cent/lb ở mức 229,3 cent/lb, giao tháng 7/2022 giảm 3,45 cent/lb, ở mức 228,25 cent/lb.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, văn hóa sử dụng cà phê từ châu Âu gần đây đã ảnh hưởng tích cực đến tập quán tiêu thụ đồ uống nóng tại Nhật Bản, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với cà phê trong giới trẻ. Điều này không chỉ khiến giới trẻ tiêu dùng cà phê hòa tan tại các quán cà phê đặc biệt và các cửa hàng cà phê có thương hiệu mà còn khuyến khích họ tự pha chế cà phê hòa tan tại nhà, khiến nhu cầu về các loại cà phê hòa tan tăng.
Nhập khẩu cà phê của Nhật Bản ghi nhận mức thấp trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự phổ biến của cà phê đang tăng lên và lan rộng trên toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại Nhật Bản sẽ tăng trở lại vào những năm tới.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, năm 2021, Nhật Bản nhập khẩu cà phê đạt 409,8 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,32 tỷ USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với năm 2020.
Đáng lưu ý, năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê vào Nhật Bản đạt mức 3.212 USD/tấn, tăng 8,7% so với năm 2020; trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ hầu hết nguồn cung chính tăng, mức tăng cao nhất 23,2% từ Guatemala và mức tăng thấp nhất 5,9% từ Brazil.
Đặc biệt, trong năm 2021 Nhật Bản tăng nhập khẩu cà phê từ Brazil và Việt Nam nhưng giảm nhập khẩu từ các thị trường cung cấp chính như Colombia, Guatemala, Ethiopia.
Theo thống kê, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam trong năm 2021 đạt xấp xỉ 101 nghìn tấn, trị giá 182,9 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm từ 25,25% năm 2020 xuống 24,62% năm 2021.
Giá nông sản ngày 10/3: Tiêu giảm 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg xuống mức 79.500 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay cũng giảm 500 đồng/kg xuống 78.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 81.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 78.000 - 81.000 đồng/kg.
Theo một số nhà vườn, mức giá bán hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với vụ thu hoạch năm ngoái.
Mặc dù giá tiêu đã được cải thiện nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của người trồng. Cụ thể, chi phí nhân công tính theo ngày dao động ở mức cao, từ 220.000 - 250.000 đồng/ngày, hoặc từ 3.000 - 4.000 đồng/kg tiêu tươi. Giá nhân công cao nhưng vẫn khó tìm được người khiến nông dân lo lắng vì tiêu chín nhưng không được thu hái kịp sẽ ảnh hưởng đến vụ tiêu năm sau. Với mức giá hiện tại, nông dân chỉ có lợi nhuận khi sử dụng lao động gia đình.
Hồ tiêu Việt Nam đã tăng mạnh diện tích và sản lượng trong những năm trước đây, dẫn đến tháng 4.2020 chạm đáy khủng hoảng thừa với mức giá chỉ khoảng 35.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sau khi giá cả trở lại ổn định, nông dân tiếp tục duy trì và chăm sóc tốt các vườn tiêu hiện tại. Các nông dân cũng đã tự nhận thức được xu hướng chuyển đổi canh tác theo hướng sạch và bền vững. Đây là điểm sáng cho chất lượng hồ tiêu Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số hộ canh tác nhỏ lẻ, chưa liên kết với các tổ chức HTX, doanh nghiệp còn đầu tư phân và thuốc hóa học để kích thích năng suất khi giá lên.