Giá nông sản ngày 5/3: Cà phê quay đầu tăng 200 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 38.900 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 38.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 39.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.400 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 39.400 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 39.300 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 39.400 đồng/kg, 39.300 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.400 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 38.800 - 39.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê đi lên. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2022 được ghi nhận tại mức 2.187 USD/tấn sau khi tăng 1,16% (tương đương 25 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 224,15 US cent/pound.
Giá nông sản ngày 5/3: Cà phê quay đầu tăng 200 đồng/kg. Ảnh: Đàm Dưỡng
Giá nông sản ngày 5/3: Tiêu cao nhất 80.500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 79.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 80.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 79.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 78.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 78.000 - 80.500 đồng/kg.
Với diện tích hơn 33.500 ha hồ tiêu, tập trung tại các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức, sản lượng đạt hơn 60.000 tấn/năm, theo tính toán, tỉnh Đắk Nông cần khoảng 2.000 nhân công để thu hoạch hồ tiêu.
Gần một tuần nay, anh Hồ Sỹ Hào (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) chạy ngược xuôi tìm người hái tiêu song vẫn lực bất tòng tâm. Theo anh Hào, do đặc thù trái tiêu nhỏ, kết theo chuỗi nằm xen lẫn trong cành, thân lá nên việc thu hoạch chỉ dựa vào thủ công là chính.
Với 5.000 trụ tiêu, gia đình anh Hào cần ít nhất 20 nhân công hái hồ tiêu cho vụ mùa này, nhưng tìm đủ cách vẫn chưa có nhân công. “Không chỉ nhờ người quen tìm giúp, tôi còn liên hệ các mối cũ và đã trả công cao hơn so với năm ngoái nhưng không gọi được người. Trong khi đó, tiêu thì chín cả vườn, nhiều cây rụng quả đầy gốc vì trời mưa, người dân như tôi không biết làm cách nào”, anh Hào rầu rĩ.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông) cho hay, gia đình có 2ha hồ tiêu đang vào giai đoạn kinh doanh nên năng suất rất cao. Anh tìm thuê nhân công với giá 230.000đ/ngày, bao cơm trưa nhưng nhiều nhân công lắc đầu không nhận việc. Anh chuyển qua thuê khoán với giá 3.000đ/kg nhưng cũng không ai mặn mà.
“Trong khi tiêu thì chín đỏ cả vườn mà người nhận hái lại đưa ra điều kiện là phải chờ đến khi họ hái cho vườn khác xong thì mới tới vườn nhà mình, người làm nông như tôi biết làm sao”, anh Hùng than thở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, đơn vị đã ban hành văn bản hướng dẫn đến các địa phương về việc tổ chức thu hoạch nông sản (trong đó có hồ tiêu) trong điều kiện dịch bệnh. Các địa phương cần rà soát lực lượng lao động tại chỗ có nhu cầu làm công nhân thời vụ để giới thiệu cho nông dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý.