Giá nông sản hôm nay 16/3: Cà phê giảm nhẹ
Ghi nhận giá cà phê nguyên liệu ngày hôm nay 16/3, tại Tây Nguyên giảm nhẹ 100 đồng/kg so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 31.600 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 31.700 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 32.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 32.500 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 32.400 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 32.300 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 32.400 đồng/kg, 32.300 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 32.400 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 31.600 - 32.700 đồng/kg.
Giá cà phê giảm nhẹ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản trong tháng 2, giá cà phê thế giới biến động tăng. So với tháng trước, giá cà phê robusta giao tháng 3/2021 thị trường London tăng 138 USD/tấn lên mức 1.444 USD/tấn.
Ở thị trường trong nước, thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới.
Giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tháng 2 ở mức 32.400 – 32.900 đồng/kg, tăng 1.400 - 1.500 đồng/kg. Giá cà phê rubusta giá FOB giao tại cảng thành phố Hồ Chí Minh tăng 141 USD/tấn lên 1.515 USD/tấn.
Giá cà phê tăng do dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ giảm cùng với các tín hiệu lạc quan rằng nhu cầu cà phê của Mỹ sẽ cải thiện khi đại dịch Covid-19 ở Mỹ dịu bớt cho phép nhiều nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại.
Cục Xuất nhập khẩu mới đây cũng nhận định giá cà phê giao kỳ hạn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 0% và lo ngại nợ công của Mỹ tăng cao đã kích thích nhà đầu tư mạnh tay dịch chuyển dòng vốn về lại các sàn hàng hóa. Trong khi đó, thời tiết không thuận lợi tại Brazil, làm giảm triển vọng cho vụ hoạch sắp tới.
Theo Business Recorder, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt ở mức lớn hơn so với dự kiến ban đầu trong niên vụ 2021 - 2022. Còn Rabobank điều chỉnh dự báo về sản lượng cà phê arabica của Brazil sẽ giảm 1,2 triệu bao so với mức dự báo tháng 12/2020, xuống còn 36 triệu bao.
Đồng thời, Rabobank cũng dự báo cà phê toàn cầu sẽ dư thừa khoảng 10 triệu bao trong niên vụ 2020-2021, thiếu hụt khoảng 2,6 triệu bao trong niên vụ 2021 - 2022.
Giá nông sản hôm nay 16/3: Tiêu tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg
Trái ngược với giá cà phê, giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay ở mức 71.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đang ở mức cao nhất toàn miền 74.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 71.000 - 74.000 đồng/kg.
Giá tiêu tăng liên tục khiến Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức họp đột xuất với 30 doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước vào cuối tuần qua. Sau khi thảo luận, Hiệp hội hồ tiêu cho hay số lượng tiêu xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tiêu 2 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,56 triệu USD, giảm 25,3% về lượng và giảm 6,5% về kim ngạch xuất khẩu (tháng 2 là tháng trùng với thời gian nghỉ tết âm lịch, trùng thời điểm khan hiếm container và chi phí vận chuyển cao).
Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh, giá tiêu tăng cao bất thường trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng. Trong khi đó dịch Covid-19 có xu hướng giảm trên toàn cầu, kết hợp với sản lượng giảm ở các nước sản xuất tiêu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy nhu cầu tiêu thụ và chế biến trên các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ có chiều hướng tăng nhưng mức tăng chưa cao tương xứng so với mức giá nguyên liệu hiện tại. Thị trường người mua cao nhất cũng ở mức 3.000 USD/tấn loại 500 g/l nhưng rất ít người mua. Hiện nay một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua hàng trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà bán hàng Dubai do giá tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam. Tăng “nóng” như hiện tại ngoài các yếu tố khách quan còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa. Trong khi đó, mùa vụ thu hoạch tiêu năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30 - 40%, gần hết tháng 4 cơ bản mới thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều.
Theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hàng đầu Việt Nam, hiện chỉ mới đầu vụ thu hoạch tiêu nhưng đa số người mua đầu cơ và nông dân trữ hết, không bán hàng ra. Những doanh nghiệp xuất khẩu thấy giá tăng cao thì không mua hàng nữa và quay sang mua ở những nước khác như Indonesia, Brazil. Trong khi Việt Nam xuất khẩu đến 90% sản lượng tiêu trong nước thì nếu không đẩy nhanh xuất khẩu, với ước tính sản lượng năm nay gần 200.000 tấn và tồn kho trước đây thêm 130.00 tấn nữa thì sẽ không cách nào tiêu thụ hết. Đó sẽ là rủi ro lớn cho người trồng tiêu.