Theo ghi nhận trên thị trường giá nông sản trong nước, giá tiêu hôm nay 31/8/2019 đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua.
Cụ thể, giá hồ tiêu hôm nay tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk dao động ở mức 44.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được thu mua với mức cao nhất toàn miền 45.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai giá hồ tiêu hôm nay dao động ở mức 43.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại tỉnh Bình Phước được thu mua với mức 44.500 đồng/kg.
Còn giá tiêu hôm nay tại tỉnh Đồng Nai được thu mua với mức thấp nhất toàn miền 42.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay được thu mua trong khoảng từ 42.500 - 45.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu hôm nay 31/8: Tiếp tục đi ngang.
Theo báo cáo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), XK hồ tiêu đối diện với tình trạng sụt giảm mạnh về giá trị. Cụ thể, năm 2018, XK hồ tiêu của Việt Nam đạt 232,7 nghìn tấn, trị giá 758,8 triệu USD, tăng 8,3% về lượng nhưng kim ngạch giảm 32,1% so với năm 2017. Giá xuất bình quân giảm 37,32% chỉ đạt 3.260,24 USD/tấn. Nửa đầu năm 2019, Việt Nam đã XK 176,8 nghìn tấn, trị giá 452,12 triệu USD, tăng 34,1% về lượng và trị giá giảm nhẹ 0,11% so với cùng kỳ 2018.
Giá tiêu giảm do nguồn cung tăng trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, chất lượng một phần hồ tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hồ tiêu một số quốc gia khác. Đáng chú ý, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng. Chi phí sản xuất hồ tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017. Trong khi giá bán hồ tiêu lại giảm trên 30%, gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho hay, sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm: tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối,... Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị, cần chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng XK đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như: tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu… Tăng cường cạnh tranh bằng sản phẩm sạch là vấn đề được đặt ra. Theo đó, ngành tiêu Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo quy trình hữu cơ, tạo sản phẩm sạch mới đủ sức cạnh tranh với tiêu Brazil và Ấn Độ.
Xu thế hội nhập kinh tế thế giới “sâu và rộng” của nước ta trong thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho nền nông nghiệp nói chung và ngành Hồ tiêu nói riêng. Tuy vậy, thách thức đối với ngành Hồ tiêu cũng rất lớn, đặc biệt các hàng rào kỹ thuật do các nước dựng lên. Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - nhấn mạnh, ngành Hồ tiêu cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; ổn định diện tích vào năm 2025 là 110.000 ha, đảm bảo cung cấp đủ Hồ tiêu nguyên liệu cho chế biến XK. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.