Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên giá heo hơi được thu mua với mức cao nhất cả nước 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc giá heo hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định giá heo hơi ở mức 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 5/4/2022: Có nơi tăng 3.000 đồng/kg. Ảnh: Đỗ Khải
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình giá heo hơi đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg lên mức 52.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg.
Các địa phương như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo hơi đi ngang, hiện ở mức 54.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Định giá heo hơi được thu mua với mức 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp giá heo hơi tăng mạnh 3.000 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 55.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu giá heo hơi đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg. Tương tự, giá heo tại tỉnh Bến Tre cũng tăng 2.000 đồng/kg lên mức 57.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 54.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau giá heo hơi ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Long An giá heo hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 53.000 - 57.000 đồng/kg.
Ngành chăn nuôi vượt khó
Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, ngành chăn nuôi heo hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh. Dịch tả heo châu Phi vẫn xảy ra ở nhiều địa phương.
Chăn nuôi an toàn sinh học trong các cơ sở chăn nuôi heo vẫn chưa bảo đảm, dẫn đến dịch bệnh xảy ra phức tạp, nhất là ở các trang trại quy mô nhỏ và nông hộ. Nếu không cải thiện về chăn nuôi an toàn sinh học, không nâng cao trình độ về kiểm soát dịch bệnh, tổng đàn heo sẽ biến động mạnh, gây mất cân đối cung cầu và khủng hoảng thiếu hoặc khủng hoảng thừa trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi heo theo chuỗi ở nước ta còn yếu, thiếu bền vững, vẫn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hiệu lực các cam kết trong hợp tác chăn nuôi (theo liên kết dọc và liên kết ngang) chưa cao và kém hiệu lực. Các mô hình tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị chưa nhiều, việc áp dụng quy trình sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại còn bất cập.
Ngoài ra, việc ứng phó thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi cũng là hạn chế lớn, gây nên nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, khiến hầu hết nông hộ còn bị động và phụ thuộc vào thương lái, người tiêu thụ trung gian. Năng suất sinh sản của đàn nái còn khá thấp so với khu vực và thế giới, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi không đồng đều. Số lượng heo bản địa ngày càng suy giảm, nguồn gien quý đang mai một dần. Việc phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế) trong chăn nuôi heo chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng...
Để khắc phục những bất cập này, thúc đẩy ngành chăn nuôi heo phát triển ổn định, Cục trưởng Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng cần thực hiện ngay một số biện pháp như: Triển khai rà soát quy mô đàn heo, đánh giá chất lượng, năng suất đàn heo nái theo điều kiện của từng địa phương để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp chiến lược phát triển chăn nuôi và quy hoạch kinh tế-xã hội của từng tỉnh, thành phố, từng vùng sinh thái.
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho heo bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, nhập khẩu và bảo quản. Chia sẻ thêm về vấn đề này,Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu cho biết, một số mô hình chăn nuôi heo thịt ở Tiền Giang, Lào Cai…, đã áp dụng phương pháp sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám dừa, cám gạo, giúp người chăn nuôi giảm giá thành sản phẩm từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg tăng trọng.
Hay mô hình chăn nuôi heo bản địa áp dụng công thức tự phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tự có tại Nghệ An, Thừa Thiên Huế đã giúp giảm chi phí thức ăn. Với cách làm này, người nuôi có thể phát triển đàn heo tốt, kiểm soát được chất lượng thức ăn, nâng cao chất lượng thịt.