Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên giá heo hơi được thu mua với mức cao nhất cả nước 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc giá heo hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định giá heo hơi ở mức 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 2/4/2022: Lãi 2 triệu đồng/100kg heo hơi? Ảnh: Đỗ Khải
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo hơi ở mức 54.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Định giá heo hơi được thu mua với mức 53.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình giá heo hơi ở mức 51.000 đồng/kg và 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 51.000 - 54.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Tương tự 2 miền trên, giá heo hơi tại miền Nam cũng đi ngang so với hôm qua. Cụ thể, tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau giá heo hơi được thu mua với mức 55.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu giá heo hơi ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp giá heo hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Lãi 2 triệu đồng/100kg heo hơi nhờ tự chế biến thức ăn chăn nuôi?
Ông Hà Duy Thông, chủ trang trại chăn nuôi heo bán công nghiệp Hà Nguyễn Duy tại xã Tân An (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Hiện nay, với chi phí đầu vào cao, giá thành trong chăn nuôi heo hơi tăng lên mức 47.000 - 50.000 đồng/kg, nếu đàn heo tăng trưởng không tốt, bị hao hụt vì dịch bệnh thì giá thành có thể tăng lên 55.000 đồng/kg. Với giá bán heo hơi hiện nay, người chăn nuôi đang gồng mình gánh lỗ, cộng thêm dịch tả heo châu Phi đang tái phát, nhiều hộ khó tái đàn heo”.
Với quy mô trang trại chăn nuôi heo lên đến 300 con bao gồm đàn heo nái, heo thịt và heo con, được thả nuôi, chăm sóc theo hình thức bán công nghiệp, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp 100%, ông Hà Duy Thông vẫn trụ vững được sau nhiều đợt giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng hơn 1 năm qua. Ông Thông cho biết: “Sau khi suy nghĩ, tính toán cẩn thận, tôi thấy rằng nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ lúa, cám, gạo…, trong khi nguồn nguyên liệu này tại địa phương dồi dào, giá thành rẻ. Vì thế, tôi mạnh dạn đầu tư mua máy xay, máy trộn tự chế biến thức ăn chăn nuôi cho heo với giá khoảng 25.000 đồng/kg, rẻ hơn thức ăn mua từ công ty khoảng 12.000 đồng/kg. Bằng cách làm này tôi hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn cho đàn heo, không còn phụ thuộc giá bán thức ăn từ đại lý, vừa giảm được chi phí sản xuất. Với giá bán heo hơi hiện tại, tôi lãi 2 triệu đồng/100kg heo hơi”.
Không tự chế biến thức ăn chăn nuôi, nhưng ông Vũ Văn Kinh ngụ ấp Kênh 5B, xã Tân An (tỉnh Kiên Giang), chủ trang trại chăn nuôi heo quy mô trên 100 con có những kinh nghiêm bổ ích từ việc hạ giá thành chăn nuôi, tiết kiệm chi phí nuôi heo. Ông Kinh chia sẻ: “Với kinh nghiệm chăn nuôi trên 20 năm, tôi nhận ra bình quân mỗi con heo đạt trọng lượng 100kg trong thời gian 4 tháng sẽ ăn khoảng 8 bao thức ăn. Trong giai đoạn heo đạt trọng lượng từ 35-50kg là giai đoạn tăng trưởng mạnh, cho ăn bao nhiêu heo cũng ăn hết, nhưng dạ dày không tiêu hóa hết số thức ăn trong ngày gây lãng phí. Do đó, để tiết kiệm chi phí, tôi cắt giảm lượng thức ăn, kéo dài thời gian nuôi lên 5 tháng, heo vừa đạt trọng lượng theo ý muốn, vừa tiết kiệm được chi phí thức ăn”.
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trước tình hình giá thức ăn tăng cao thời gian qua người chăn nuôi vẫn còn lo ngại rủi ro dịch bệnh nên chưa vội tái đàn, chủ yếu tiếp tục nuôi đàn heo con giống từ heo nái sinh sản, không mua con giống mới. Để tiết kiệm chi phí, người dân cho ăn xen kẽ thức ăn viên, bổ sung hoặc thay thế cám, gạo tấm tự nấu để thu lợi nhuận trong điều kiện giá bán heo hơi chưa có dấu hiệu tăng.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thức ăn chiếm tới 65-70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc xây dựng khẩu thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.