Giá heo hơi miền Bắc
Thị trường heo hơi khu vực miền Bắc sáng 27/7 tiếp tục xu hướng ổn định. Ngoại trừ Hải Phòng giảm nhẹ 1.000 đồng xuống 61.000 đồng/kg, các địa phương khác đều giữ nguyên so với hôm qua.
Hà Nội, Hưng Yên vẫn duy trì mức cao 62.000 đồng/kg.
Nhóm địa phương phổ biến mức 61.000 đồng/kg gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ.
Mức giá thấp nhất khu vực này là 60.000 đồng/kg, ghi nhận tại Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Tĩnh.
Tổng thể, giá heo hơi miền Bắc duy trì biên độ từ 60.000 – 62.000 đồng/kg, với diễn biến chủ yếu là đi ngang.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung – Tây Nguyên
Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Nghệ An là địa phương duy nhất ghi nhận điều chỉnh giảm giá trong ngày hôm nay, giảm 1.000 đồng/kg, hiện còn 60.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Gia Lai vẫn duy trì vị trí thấp nhất cả nước với mức 59.000 đồng/kg – không thay đổi so với hôm qua.
Một số địa phương khác như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng tiếp tục dao động trong khoảng 60.000 – 63.000 đồng/kg, không có sự thay đổi về giá.
Giá heo hơi miền Nam
Tại miền Nam, thị trường ghi nhận TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ cùng giảm 1.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 63.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Cà Mau giữ vững mức cao nhất toàn quốc 65.000 đồng/kg, tiếp nối là Tây Ninh với 64.000 đồng/kg.
Các địa phương như Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Lâm Đồng đều giữ mức 63.000 đồng/kg, không thay đổi so với phiên trước. Vĩnh Long duy trì ổn định ở 62.000 đồng/kg.
Giá heo hơi toàn quốc ngày 27/7 dao động trong khoảng 59.000 – 65.000 đồng/kg. Mức cao nhất thuộc về Cà Mau, thấp nhất là Gia Lai.
Diễn biến thị trường cho thấy nguồn cung heo hơi hiện vẫn khá dồi dào, trong khi sức tiêu thụ tại các chợ và cơ sở giết mổ chưa thực sự phục hồi. Đây là nguyên nhân khiến giá heo tại một số địa phương tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, đặc biệt ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Dự báo trong những ngày tới, giá heo hơi sẽ tiếp tục đi ngang hoặc giảm nhẹ tại một số điểm có tồn kho lớn, trước khi bước vào chu kỳ tiêu thụ tăng vào đầu tháng 8.
Tính từ ngày 1– 21/7, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 438 hộ chăn nuôi thuộc 118 thôn, 23 xã, phường trên địa bàn TP Đà Nẵng, với 1.194 con heo bị tiêu huỷ, tổng trọng lượng trên 77 tấn. Nguy cơ dịch lan rộng trong thời gian tới được đánh giá là rất cao, theo Báo Chính phủ.
Ngày 25/7, UBND TP Đà Nẵng ban hành công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả heo châu Phi, trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh và diện rộng.
Theo công điện, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trực tiếp nếu chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm dẫn đến dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại lớn trên địa bàn.
Đặc biệt, đối với địa phương đang có ổ dịch, cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, không bán chạy heo bệnh, không vứt xác ra môi trường và tổ chức tiêu huỷ kịp thời theo quy định.
Các tổ xử lý ổ dịch, tổ phun tiêu độc, khử trùng phải được kích hoạt, thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, giám sát chặt quá trình tiêu huỷ.
Cùng với đó là tăng cường lập chốt chặn, đội kiểm tra lưu động để kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ra/vào vùng dịch. Các xã, phường chưa phát hiện dịch bệnh cũng được yêu cầu thống kê đàn heo, thực hiện sát trùng định kỳ và vận động người chăn nuôi xuất bán sớm heo khỏe mạnh nhằm giảm thiểu rủi ro nếu dịch bùng phát.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Đà Nẵng được giao làm đầu mối chủ trì triển khai, phối hợp kiểm tra tại cơ sở chăn nuôi, giết mổ; tăng cường kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển tại trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hoá chất phòng chống dịch.
Công an TP Đà Nẵng, Bộ đội biên phòng và chính quyền các cấp cũng được yêu cầu vào cuộc quyết liệt, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh heo và sản phẩm không rõ nguồn gốc, trái phép.