Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội giá heo hơi ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi được thu mua với mức 49.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 49.000 - 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 26/2/2023: Biến động 1.000 - 3.000 đồng/kg. Ảnh: Đỗ Khải
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng giá heo hơi ở mức cao nhất toàn miền 53.000 đồng/kg.
Các địa phương như Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo hơi ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh giá heo hơi được thu mua với mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 48.000 - 53.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu giá heo hơi được thu mua với mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng giá heo hơi ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Hết chuộng thịt heo?
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, với sự đầu tư của hàng loạt “đại gia” trong lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua, nguyên nhân đẩy giá heo hơi giảm và duy trì ở mức thấp chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thấp, chứ không phải xuất phát từ việc tăng nguồn cung. Theo ông Trọng, hiện tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng và cắt giảm lao động, trong đó nhiều nơi chỉ duy trì lao động khoảng 50%. Điều này khiến thu nhập của người dân giảm, dẫn đến sức tiêu thụ của các quán ăn, nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp… cũng xuống mức thấp.
“Tín hiệu này bắt đầu từ cuối quý III/2022 sau khi giá heo hơi có thời điểm tăng đến 75.000 đồng/kg rồi từ đó tụt dốc cho đến nay. Chưa kể, số lượng heo đến tuổi xuất chuồng của cả các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các nông hộ dồn toa đến thời điểm này vẫn chưa tiêu thụ hết khiến nguồn cung ở mức cao. Nếu tình trạng tiếp tục diễn ra, khả năng giá heo hơi vẫn sẽ giữ ở mức như hiện nay đến quý II/2023”, ông Trọng nói.
Theo thống kê của Công ty Ipsos Strategy 3, chuyên nghiên cứu thị trường đa quốc gia (có trụ sở tại Pháp), mức tiêu thụ thịt heo theo đầu người ở Việt Nam đang giảm đáng kể. Năm 2018, mức tiêu thụ thịt heo của Việt Nam đạt đỉnh khoảng 32 kg/người/năm. Năm 2022, con số này giảm chỉ còn khoảng 23,5 kg/người/năm và dự báo mức tiêu thụ trung bình này tiếp tục duy trì trong năm 2023.
Nguyên nhân là người dân có nhiều sự lựa chọn về nguồn đạm động vật thay thế khác ngoài thịt heo. Các sản phẩm thịt gia cầm, hải sản, thịt bò đang dần được người Việt ưa chuộng hơn. Số liệu của Ipsos Strategy 3 cùng thời điểm cho thấy, mức tiêu thụ thịt gia cầm của người Việt đã tăng từ 12 kg/người/năm lên 20 kg/người/năm trong năm 2022; tiêu thụ thịt bò tăng từ 0,5 - 0,7 kg lên mức 5 kg/người/năm.
Theo TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến hết năm 2022, tổng đàn heo cả nước đạt khoảng 26,2 triệu con (chưa bao gồm heo con theo mẹ), tăng 11,4% so với năm 2021. Do đó, để ổn định giá heo hơi trong nước, Việt Nam cần sớm thương thảo với các nước để xuất khẩu thịt heo chính ngạch.
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, khoảng 5 năm trước, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc xuất khẩu heo hơi chính ngạch nhưng đến nay vẫn chưa xúc tiến thành công. Trong khi đó, việc xuất khẩu tiểu ngạch bấp bênh, nhiều rủi ro. Cuối năm 2022, giá heo hơi ở Trung Quốc cao hơn giá heo hơi Việt Nam khoảng 15.000 đồng/kg. “Trường hợp này, nếu xuất khẩu được chính ngạch, doanh nghiệp và người dân sẽ thu được lợi nhuận lớn, đồng thời giúp giá heo trong nước không bị tụt”, ông Đạt nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để heo hơi xuất khẩu chính ngạch sang các nước, Việt Nam cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Vừa qua, sau khi có văn bản của Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE để đáp ứng cho nhiều thị trường khác nhau.
“Làm được điều này không phải đơn giản, cần có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn liên kết xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm…, đồng thời chúng ta phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trong nước. Việt Nam đã có một số vùng an toàn dịch bệnh tại khu vực Đông Nam bộ. Bộ NN&PTNT đang xúc tiến đàm phán kỹ thuật trở lại với Trung Quốc để sớm có thể xuất khẩu chính ngạch heo hơi”, ông Tiến nói.