Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Tuyên Quang, Hà Nội, Hưng Yên giá heo hơi đạt mức lần lượt 57.000 - 58.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn giá heo được thu mua với mức 56.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 56.000 - 58.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận giá heo hơi đạt mức 54.000 - 55.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 21/5/2022: Giá heo lên xuống thất thường, người chăn nuôi dè dặt tái đàn? Ảnh: Thanh Bình
Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi heo, anh Phan Quang Hoài (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, trước đây nuôi heo mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người chăn nuôi liên tiếp trải qua nhiều khó khăn, có giai đoạn thua lỗ do giá heo rớt thảm, có thời điểm dịch tả heo châu Phi "càn quét" khiến nhiều hộ lâm cảnh nợ nần.
Từ năm 2019, giá heo tăng mạnh, anh và nhiều hộ chăn nuôi mới dồn lực tái đàn, chưa được bao lâu lại gặp phải "cơn bão" giá cả thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ cuối năm 2020 đến nay.
Theo anh Hoài, năm 2020, giá cám heo chỉ từ 200.000 - 250.000 đồng/bao (loại 25 kg), hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 1,5 lần. Cụ thể, năm 2021, giá cám heo tăng 8 đợt, mỗi đợt từ 7.000 - 10.000 đồng/bao, tính ra khoảng 280.000 - 350.000 đồng/bao. Đến tháng 5/2022, giá cám đã tăng 4 đợt, mỗi đợt tăng từ 6.000 - 10.000 đồng/bao, hiện tại giá khoảng 340.000 - 380.000 đồng/bao.
Chính vì giá cả leo thang nên từ cuối năm 2021, sau khi xuất 150 con heo thịt trong đợt giá heo giảm từ 36.000 - 40.000 đồng/kg, gia đình anh Hoài lỗ khoảng 80 triệu đồng. Từ đó, anh không dám mua thêm con giống về nuôi mà bỏ trống chuồng trại mấy tháng ròng. Thời gian gần đây, anh bắt đầu tái đàn nhưng nhận thấy tình hình giá cám vẫn tăng liên tục nên chỉ dám nuôi cầm chừng 50 con heo thịt, giảm 1/3 so với năm trước.
Đứng trước cơn “sốc” vì giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, trang trại hộ ông Lê Văn Sơn (thôn 4, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cũng không tránh được ảnh hưởng. Vào tháng 11/2021, ông xuất hơn 2,5 tấn heo thịt (mỗi con nặng từ 75 - 95 kg) bán với giá 47.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với giá heo năm 2020, mỗi con heo ông bán ra giảm khoảng 2 triệu đồng.
Các năm trước, mỗi tháng ông lấy 4 đợt cám, mỗi đợt khoảng 8 tấn, chi phí chừng 70 triệu đồng, nhưng đến năm nay, giá tăng từ 80.000 - 120.000 đồng/bao nên ông phải bỏ thêm khoảng 20 - 30 triệu đồng cho mỗi đợt cám (tức 90 - 100 triệu đồng/đợt).
Ông Sơn cho hay, nếu giá cả liên tục tăng như thế này thì người chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ có lỗ chứ không có lãi, còn đối với trang trại chăn nuôi của gia đình ông thì chỉ mong hòa vốn.
Để vượt qua “cơn bão” giá cả, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trần Ngọc Sơn khuyến cáo, người chăn nuôi nên chủ động nguyên liệu phối trộn thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, người dân cần tăng cường trồng ngô, sắn làm nguyên liệu phối trộn thức ăn thay thế hàng nhập khẩu. Các cơ quan chuyên môn và các nhà nghiên cứu đã đánh giá giá trị dinh dưỡng những nguyên liệu của địa phương trong nước và đưa ra công thức phối trộn thức ăn, phân tích giá trị thức ăn hỗn hợp thay thế với đầy đủ các tiêu chí protein, năng lượng, canxi, phốt pho, vitamin, axit amin…
Vì vậy, các địa phương cần khuyến cáo và nhân rộng những công thức xây dựng khẩu phần ăn từ nguyên liệu trong nước; đồng thời tăng diện tích trồng cây cung cấp nguyên liệu trong thời gian tới để gỡ khó cho người chăn nuôi vượt qua giai đoạn giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao.
Ngoài ra, người chăn nuôi có thể chủ động nuôi cá, trùn quế để chế biến thành bột nhằm bổ sung nguồn đạm, giúp giảm chi phí thức ăn. Cùng với đó, cần sắp xếp lại phương thức tổ chức sản xuất, đặc biệt đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu nên tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chi hội sản xuất chăn nuôi để thương thảo, mua thức ăn chăn nuôi khối lượng lớn trực tiếp từ các nhà máy sản xuất, không phải mua qua các khâu trung gian tại các đại lý bán.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh như: tụ huyết trùng, dịch tả heo, lở mồm long móng, tai xanh… để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh An Giang giá heo hơi quay đầu giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 60.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giá heo hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 55.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau giá heo hơi được thu mua với mức 60.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Trà Vinh giá heo hơi ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Cầ Thơ giá heo hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 55.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.