Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội giá heo hơi được thu mua với mức 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Các địa phương như Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Nam Định giá heo hơi ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 19/8/2021: Heo hơi và cám “ngược chiều”, người chăn nuôi chịu thiệt? Ảnh: Nguyễn Thường
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, toàn miền có duy nhất tỉnh Bình Định giá heo hơi báo giảm 3.000 đồng/kg xuống mức 50.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Huế, Ninh Thuận giá heo hơi ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 50.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh An Giang giá heo hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 54.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi so với hôm qua. Tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp giá heo hơi được thu mua với mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre giá heo hơi ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt lợi nhuận “khủng”, người chăn nuôi chịu thiệt
Chán nản vì chăn nuôi heo mấy năm nay, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nam) cho biết, số nợ của gia đình đến nay đã lên đến gần 1 tỷ đồng.
Giữa năm 2018, khi đàn heo của gia đình xuất chuồng thì giá rớt còn khoảng 25 nghìn đồng/kg. Bán cả đàn hàng trăm con heo, chị phải chịu lỗ gần 400 triệu đồng. Đến đầu năm 2019, chị vay mượn khoảng 240 triệu đồng để vào đàn 300 con giống.
Nhưng đến tháng 4/2019, đàn heo đã được 3 tháng, ngốn thêm khoảng 900 triệu đồng thì lăn ra chết la liệt.
“Dù địa phương hỗ trợ nhưng tôi vẫn phải chịu lỗ thêm khoảng 500 triệu đồng”, chị Hà nói và cho biết, mới quay lại tái đàn sau hơn một năm bỏ chuồng thì lại gặp phải “cơn lốc” tăng giá thức ăn chăn nuôi, trong khi giá lợn hơi giảm mạnh.
Tính ra, hiện mỗi con heo xuất chuồng, chị chịu lỗ nửa triệu đồng.
Hiện tại, khoảng 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này khiến ngành chăn nuôi vốn đã bấp bênh nay càng gặp nhiều rủi ro hơn khi giá thị trường thế giới biến động.
Đã từ lâu, thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được đánh giá thuộc hàng "béo bở" bậc nhất khu vực Đông Nam Á và hiện nay, các doanh nghiệp FDI cũng đang chiếm tỷ trọng lớn thị phần cung cấp trên thị trường.
Trên thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này không ngừng gặt hái lợi nhuận cao. Năm 2020, Công ty CP Việt Nam đạt doanh thu khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ USD. Riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt doanh thu gần 900 triệu USD (khoảng 21 nghìn tỷ đồng).
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian qua do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng; dịch Covid-19 khiến cước phí vận chuyển tăng 200-300%.
Theo ông Trọng, trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến khích doanh nghiệp, người chăn nuôi sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, phát triển gia cầm ăn cỏ.
Bộ đang có chính sách chuyển đổi nhanh chóng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đã chuyển đổi được 250.000 ha, sắp tới sẽ chuyển đổi thêm 250.000 ha và đến năm 2030 dự kiến sẽ chuyển đổi được 1 triệu ha.
Về việc các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt lợi nhuận “khủng” và trả chiết khấu rất cao, người chăn nuôi chịu thiệt, ông Trọng cho rằng, rất khó can thiệp và điều chỉnh, bởi đây là cơ chế thị trường.
“Để kiểm soát được giá như các nước khác, Chính phủ cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, lúc đó sẽ khống chế được giá các nguyên liệu đầu vào và người chăn nuôi có thể chủ động được kế hoạch sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ít lần đề xuất phương án này, song đến nay vẫn chưa được chấp thuận”, ông Trọng nói và cho biết, dự kiến giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng.