Giá heo hơi miền Bắc
Khu vực miền Bắc có dấu hiệu hồi phục rõ nét trong ngày hôm nay khi nhiều địa phương ghi nhận mức tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Đây là phiên tăng thứ hai liên tiếp trong những ngày gần đây.
Cụ thể:
Bắc Giang: tăng lên 69.000 đồng/kg
Hưng Yên: tăng lên 69.000 đồng/kg
Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa: tăng lên 68.000 đồng/kg
Mức giá phổ biến tại khu vực hiện dao động từ 67.000 – 69.000 đồng/kg, tiệm cận với mặt bằng giá ở miền Trung và miền Nam. Đây là tín hiệu tích cực cho người chăn nuôi sau giai đoạn dài giá dao động ở ngưỡng thấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung – Tây Nguyên
Tại miền Trung và Tây Nguyên, thị trường tiếp tục giữ giá vững, không có điều chỉnh mới. Mức giá phổ biến vẫn duy trì trong khoảng 69.000 – 70.000 đồng/kg.
Một số địa phương duy trì mức cao gồm:
Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định: dao động quanh 69.000 – 70.000 đồng/kg
Khánh Hòa, Đắk Lắk: giữ ổn định ở mức cao, không có biến động so với hôm qua
Giá ổn định giúp khu vực này duy trì nguồn cung đều đặn, tuy nhiên sức mua thị trường vẫn chưa thật sự bùng nổ.
Giá heo hơi miền Nam
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi không ghi nhận biến động mới trong ngày 15/4. Sau loạt phiên điều chỉnh tăng hồi đầu tháng, giá hiện đã thiết lập mặt bằng mới, giữ ở vùng đỉnh.
Cụ thể:
Các tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Bạc Liêu: duy trì ở mức 73.000 – 74.000 đồng/kg
Các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Tây Ninh: vẫn giữ mức cao nhất cả nước, 74.000 đồng/kg
Với mức giá này, miền Nam đang là khu vực có giá heo hơi cao nhất cả nước, nhờ nhu cầu ổn định từ các doanh nghiệp chế biến và hệ thống phân phối lớn.
Với xu hướng phục hồi tại miền Bắc và mức giá neo cao tại miền Nam, thị trường heo hơi trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sức mua và lượng tiêu thụ thực phẩm sau lễ cần được theo dõi kỹ để có thể đánh giá chính xác hơn xu hướng sắp tới.
Báo Hoà Bình đưa tin, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã ghi nhận một ổ dịch tả heo châu Phi tại thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ. Đáng chú ý, năm 2024, nơi này cũng xuất hiện heo mắc dịch tả heo châu Phi. Do đó, đây có thể coi là dấu hiệu cảnh báo dịch bệnh này có thể tái bùng phát, nhất là khi thời tiết giao mùa, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm cao.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hoà Bình đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hoà Bình đề nghị các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc công bố dịch và tổ chức phòng, chống dịch theo đúng quy định tại các địa phương có dịch.
Các địa phương cần hướng dẫn hộ chăn nuôi hàng ngày thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất sát trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi. Đặc biệt, tổ chức tiêm vaccine phòng dịch tả heo châu Phi để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhiễm, bùng phát.
Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Hoà Bình cho biết những năm vừa qua, nguyên nhân dẫn đến dịch tả heo châu Phi bùng phát và kéo dài chủ yếu do đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, nhiều hộ chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, khâu kiểm soát dịch bệnh từ đầu vào như con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại còn lỏng lẻo. Một số hộ chăn nuôi khi phát hiện heo ốm không khai báo kịp thời, việc xử lý ổ dịch còn chậm và thiếu đồng bộ.
Đặc biệt, trong năm 2024, tình trạng bán chạy heo ốm,mổ heo ốm làm thực phẩm tại một số địa bàn vẫn diễn ra, gây nguy cơ lớn lây lan mầm bệnh ra diện rộng, làm suy giảm hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn heo trên 480.000 con nhưng mới chỉ tiêm được hơn 11.000 liều vaccine dịch tả heo châu Phi. Điều này cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa nhu cầu phòng bệnh và năng lực đáp ứng thực tế.